Mùa đông năm ấy, (Nguyễn) Bá Nghi lại cho là quân lính đã lui, ở phân
tán nên không thể dùng kế giữ được, xin được nhận tội. Vua xuống chiếu
cho (Nguyễn Bá Nghi) đem quân về đóng ở Bình Thuận”.
Lời bàn
Giặc vào, vua quan đều lúng túng và bạc nhược, ngao ngán thay!
Nguyễn Bá Nghi là người khoa bảng, nắm giữ trọng trách của bậc đại thần,
được vua và triều đình tin cậy mà ủy thác việc đối phó với thực dân Pháp ở
Nam Kì, thế mà… cụ Phó bảng hỡi, hậu thế chỉ có thể gọi cụ là phó nhát
mà thôi.
Bởi nhút nhát, Nguyễn Bá Nghi đã không thể đủ bình tĩnh để phân tích
những diễn biến phức tạp của tình hình. Bởi nhút nhát, Nguyễn Bá Nghi đã
khiếp đảm trước vũ khí của thực dân. Bởi nhút nhát đến độ hoang mang và
mất cả chí tiến thủ Nguyễn Bá Nghi đã xin cầu viện nước ngoài. Trước sau,
Nguyễn Bá Nghi chỉ một mực xin giáng hòa. Ôi! nhận thức chính trị của
đấng khoa bảng này mới mơ hồ và tội nghiệp làm sao. Sự thế lúc này,
chẳng thể nói khác hơn cách nói của Cử nhân Phan Vãn Trị: Nực cười hết
nói nổi quan ta!
Nhưng, trách riêng Nguyễn Bá Nghi có được chăng? Đọc những lời dụ
của vua mới thấy vua cũng chẳng hơn gì. Trí không đủ điều khiển vận
nước, dũng không đủ để đối phó với giặc ngoài, tín không đủ để thấm
xuống thiên hạ …thời ấy mà vua quan ấy, bất hạnh thay!