Nay, xin triệt bỏ nhà thủy tạ, bãi bỏ hết mọi việc xây cất, hủy vườn đua
ngựa và cũng chẳng cần đến ngựa hay, bỏ luôn việc đặt giá ép mua của dân
để giảm khổ đau cho họ, đồng thời, xin lánh xa bọn con hát, lắng nghe lời
đoan chính. Quần thần có tâu điều gì dùng được thì tiếp nhận. không dùng
được thì bỏ đó. Người đời có câu: cầu trời ở trời chẳng bằng cầu trời ở
tâm”.
Vua Tự Đức nhận tờ sớ này, quở trách Thân Văn Nhiếp, cho là chỉ nói
việc cũ, lời lẽ sáo rỗng và hủ lậu, nhưng cũng không bắt tội ông.
Tờ sớ thứ hai, Thân Văn Nhiếp dâng vua Tự Đức vào năm Ất Sửu
(1865). Bấy giờ, triều đình cho rằng không nên cấm thuốc phiện mà nên
cho dân sản xuất và buôn bán thuốc phiện. Nhà nước chỉ nên đánh thuế thật
nặng vào nghề sản xuất và kinh doanh đặc biệt này mà thôi. Lúc này, Thân
Văn Nhiếp đang là quan Tổng đốc Bình Phú. Ông đã ba bốn lần dâng lời
can ngăn, nhưng, sớ của ông bị bỏ, không được xét đến để thi hành.
Tờ sớ thứ ba, Thân Văn Nhiếp dâng vua Tự Đức vào năm Bính Dần
(1866). Lúc này, ông đang giữ chức Tuần phủ. Nghe tin ở kinh thành Huế
có cuộc nổi dậy của binh lính và dân phu đang xây Vạn Niên Cơ, do Đoàn
Trưng cầm đầu, Thân Văn Nhiếp vội dâng vua tờ sớ, đại ý nói: “Thần nghe:
có trái sự ngang trái, bậc quân tử mới tỏ được cái đức của mình. Nhà nước
ta, từ tám chín năm nay luôn có biến cố, trong thì lụt lội, hạn hán và dịch
tật, ở ngoài thì cả phía Nam lẫn phía Bắc đều bị giặc xâm lấn tơi bời, khiến
triều đình phải bồi thường chiến phí và cắt đất cho giặc. Đây chính là lúc kẻ
làm tôi, làm con phải dốc sức hiến thân, và cũng là lúc Nhà vua nên nằm
gai nếm mật. Thế mà, thấy những việc tai biến lại cho là ngẫu nhiên, chưa
hề thấy thực tâm tu tỉnh hay bổ cứu. Nay, pháp lệnh thay đổi, chỉ so đo về
lợi lộc, chẳng thấy lo tính việc xa. Gần đây, ngay ở kinh sư mà có nghịch
án lớn xảy ra. Thế mới biết biến cố xảy ra có thể ở bất cứ chỗ nào, từ bất cứ
việc gì, cho nên, ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cũng đều phải kính cẩn.
Kinh Thư có câu: Oan không tự sinh ra ở nơi sáng tỏ, cho nên, chưa có nỗi
oan cũng phải toan tính đến lúc có nỗi oan vậy. Chính sự của ta hay dở thế
nào, nước láng giềng đều có thể lợi dụng kẽ hở để can thiệp, thật đáng sợ