05. Công chúa Ngoạn Thiềm
Vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông lên ngôi lúc mới được tám tuổi,
thân phụ của Trần Thái Tông là Trần Thừa thì tài hèn sức mọn, nên trọng
trách triều đình lúc ấy gần như nằm hết trong tay quan thái sư Trần Thủ Độ.
Bấy giờ, ngoài tôn thất họ Lý, nhiều thế lực chống đối khác cũng nổi lên,
trong đó, mạnh nhất là thế lực của Đoàn Thượng và thế lực của Nguyễn
Nộn.
Đoàn Thượng chiếm cứ Hồng Châu (nay là vùng Hải Dương) còn
Nguyễn Nộn thì chiếm cứ vùng Bắc Giang. Cả hai tuy đều chống đối họ
Trần, nhưng lại cũng đồng thời là kẻ thù của nhau. Biết rõ điều đó, Trần
Thủ Độ định kiếm kế tiêu diệt từng thế lực một. Đang lúc lo lắng mưu toan
thì cơ may đến. Tháng 12 năm Mậu Tí (1228), Nguyễn Nộn bất thình lình
đem quân tấn công và giết được Đoàn Thượng. Con của Đoàn Thượng là
Đoàn Văn đem hết gia thuộc đầu hàng Nguyễn Nộn. Thế là trong chỗ
không ngờ, kẻ thù triều Trần đã giúp triều Trần tiêu diệt bớt đối thủ.
Nguyễn Nộn xưng là Đại Thắng Vương, thế lực còn mạnh. Biết chưa thể
trừ ngay được, Trần Thủ Độ sai người đến chúc mừng và phong Nguyễn
Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, lại còn đem Công chúa
Thiềm gả cho Nguyễn Nộn.
Lúc ấy, sứ mạng của Công chúa Ngoạn Thiềm rất lớn, ấy là phải làm sao
để vừa từng bước lung lạc Nguyễn Nộn, vừa thường xuyên cung cấp tin tức
về tình hình thế lực Nguyễn Nộn cho triều đình rõ. Đại để, có thể xem
Ngoạn Thiềm là nữ điệp viên thuộc loại đặc biệt vậy.
Đắc thắng, Nguyễn Nộn là kẻ chơi bời chè chén bừa bãi, nhưng con
người luôn say sưa ấy cũng có chỗ rất tỉnh táo, ấy là hết sức cảnh giác đối
với Ngoạn Thiềm. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyền 5, tờ 5b) cho
biết là Nguyễn Nộn cho xây nơi ở riêng cho Ngoạn Thiềm và canh phòng
rất cẩn mật, khiến Ngoạn Thiềm không sao thu thập được tin tức gì.
Năm Kỉ Sửu (1229), Nguyễn Nộn bệnh mà mất, Trần Thủ Độ thở phào
nhẹ nhõm. Công chúa Ngoạn Thiềm không rõ về sau ra sao.