67. Chức tước của Nguyễn Nhiên
Nguyễn Nhiên chữ nghĩa ít ỏi đến độ kể như mù chữ, vậy mà tháng 10
năm Canh Tuất (1370), đang ở chức Chi hậu nội nhân Phó chưởng
Nguyễn Nhiên được đưa lên làm Hành khiển, đường đường là quan đầu
triều. Chưa hết, đến tháng 5 năm Nhâm Tí (1372), Nguyễn Nhiên được vua
cho kiêm luôn chức Tri khu mật viện Chánh chưởng
, và đến tháng 9 năm
Tân Dậu (1381), Nguyễn Nhiên lại được thăng làm Nhập nội Hành khiển
Hữu ti. Giao chính sự cho kẻ mù chữ, có phải là bấy giờ, nhân tài đất nước
cạn hết rồi chăng? Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 7, tờ 32 b và
33a) chép rằng:
“Khi Vua chưa ra đi (đây chỉ việc Nghệ Tông chạy loạn Nhật Lễ – ND),
Chi hậu nội nhân Phó chưởng là Nguyễn Nhiên khuyên ngài: “Người ta
muốn làm hại ông (lúc này Nghệ Tông chưa lên ngôi nên Nguyễn Nhiên
gọi bằng ông như vậy – ND), sao ông lại không xem thời cơ mà hành động
trước”. Đến khi Vua lên ngôi, lấy Nhiên làm Hành khiển, thăng làm Tả
tham tri chính sự. Nhiên chữ nghĩa ít, khi phê giấy tờ, Vua thường bảo vẽ
các nét chữ đưa cho Nguyễn Nhiên xem.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: báo cho Vua tai nạn là ơn riêng, ban tước cho
người giữa triều là việc công. Vua nhớ ơn Nguyên Nhiên, đền đáp bằng
vàng lụa thì được, còn cho làm Hành khiển là chức quan trọng thì không
thể được. Chức Hành khiển thời bấy giờ cũng như “lục khanh” đời Chu, là
các quan chức điều hành chính sự của đất nước, mà lại để cho người không
biết chữ làm thì không phải chọn người vì việc công vậy”.
Lời bàn
Nghệ Tông nổi tiếng nhát gan, giặc chưa đến đã lo chạy, nhưng trong
việc phong chức ban tước cho Nguyễn Nhiên thì xem ra lại quá liều. Nghệ
Tông đã liều mà Nguyễn Nhiên còn liều hơn. Mới hay, những kẻ tầm
thường vẫn luôn có chỗ để gặp nhau.