VIỆT SỬ GIAI THOẠI - Trang 393

Nghĩa là:
Dám hỏi Tử Trừng trung úy nhát,

Thư sinh sao nỡ phụ bình sinh?
Đến đó, chừng như Hồ Quý Ly vẫn chưa thật sự an tâm, bởi vậy vào

tháng 4 năm Nhâm Thân (1392) nhân vì trời hạn hán, Hồ Quý Ly xin
Thượng hoàng và nhà vua xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Có một người tên
là Bùi Mộng Hoa cả tin, vội dâng lời của mình. Sách Đại Việt sử kí toàn
thư
(bản kỉ, quyển 8, tờ 21-b) chép:

“Bùi Mộng Hoa dâng thư, đại ý nói: “Thần nghe trẻ con có câu hát rằng,

thâm hiểm thay Thái sư họ Lê. Xem thế cũng đủ biết Quý Ly nhất định có ý
dòm ngó ngôi báu”. Thượng hoàng xem xong tờ tâu thì đưa cho Quý Ly.
Sau, Quý Ly chuyên chính, Mộng Hoa ẩn lánh không ra nữa”.

Từ đây, chuyện Hồ Quý Ly cướp ngôi chẳng qua chỉ còn là việc chọn

thời điểm nào cho thích hợp nữa mà thôi.

Lời bàn
Loạn thần gieo mầm loạn đã đành, nhưng, những người quyết chí chống

loạn thần, chừng như cũng đã vô tình gieo thêm mầm loạn. Trang Định
Vương bỏ trốn, tưởng thế là được yên, rốt cuộc chẳng thoát lưới bạo tàn.
Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê đàm tiếu khen chê, cứ tưởng mình là bậc trí
gia, nào hay đứt đầu vẫn chưa kịp nhận ra mình dại khờ. Bùi Mộng Hoa
mượn lời trẻ con để nói ý mình, quả là trẻ con còn hơn cà con trẻ. Nói Hồ
Quý Ly có tài (dù là tài xảo quyệt) cũng được, mà nói là triều Trần lúc ấy
có quá nhiều kẻ bất tài cũng được.

Nói cho công bằng thì, nếu chẳng có một Thượng hoàng Trần Nghệ

Tông mê muội, sẽ chẳng bao giờ có nổi một Hồ Quý Ly lộng quyền. Mới
hay, giặc ngoài vào chưa hẳn đã tàn phá giang sơn bằng kẻ cầm quyền bính
trong nước mà kém cỏi cả tài năng lẫn đức hạnh. Nếu cứ trách riêng Hồ
Quý Ly, ắt có chỗ chẳng công bằng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.