bao nhiêu người hộ tống, Thiêm Bình nói: -Chỉ xin độ vài ngàn người là
đủ, vì hễ về đến nơi là người ta tự khắc nghe theo.
Bá Kỳ nói: -Không nên.
Vua Minh giận, sai đem an trí Bá Kỳ ở Cam Túc. Đến khi Thiêm Bình bị
hại, vua Minh cho triệu Bá Kỳ về, dụ dỗ là sẽ lập con cháu họ Trần và cho
Bá Kỳ làm bề tôi phụ tá. Khi Trương Phụ đem quân sang nước ta, (vua
Minh) cho Bá Kỳ đi theo trong quân ngũ, do đấy, trao cho chức Tham
nghị
. Bá Kỳ nhận chức nhưng không cùng bạn đồng liêu bàn tính công
việc gì, chỉ ở nhà riêng và thu nạp những quan viên cũ của triều Trần bị sa
cơ lỡ bước. Nay (Trần) Nguyệt Hồ khởi binh, quân Minh ngờ là Bá Kỳ đem
lòng phản lại, liền bắt Bá Kỳ đưa sang Kim Lăng (Trung Quốc – ND).
Lời bàn
Bá Kỳ chạy sang Trung Quốc, trong chỗ căm ghét họ Hồ bởi sự thoán
nghịch, còn có sự căm ghét bởi chủ cũ của Bá Kỳ là Trần Khát Chân bị Hồ
Quý Ly giết hại, ấy là lẽ có thể cảm thông. Song, cầu cứu quân Minh thì có
gì khác việc rước voi về giày mả tổ? Ông không hề có tham vọng ích kỉ và
bẩn thỉu như Trần Thiêm Bình, nhưng, sự mơ hồ của ông rốt cuộc cũng dẫn
đến hậu quả nghiêm trọng không kém. Mới hay, sự phản bội có chủ đích
với lòng trung ngây thơ và mù quáng, đôi khi cũng dễ trộn lẫn vào nhau.
Sử cũ viết rằng Bùi Bá Kỳ bị quân Minh nghi ngờ nên bắt đem về Kim
Lăng. Có lẽ phải nói ngược lại mới phải. Chính quân thù tin rằng, hễ tỉnh
ngộ, thế nào Bùi Bá Kỳ cũng chống lại quân Minh xâm lược, cho nên, cứ
hãy bắt Bùi Bá Kỳ về Kim Lăng ngay khi ông chưa kịp tỉnh ngộ là tốt hơn
cả. Dẫu sao thì giặc vẫn chưa muốn vội vất bỏ ngay con người còn có thể
lợi dụng này. Thương hại thay, Bùi Bá Kỳ!