Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị không chỉ chết vì
nghĩa mà thôi. Câu nói của bà cũng đủ làm lời khuyên cho đời. Vậy nên
chép ra đây để nêu gương”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 12, tờ
18) còn chép thêm về tình cảnh của cha con Hồ Hán Thương khi chạy đến
Kì La (Hà Tĩnh) như sau:
“Lúc hai cha con nhà Hồ (đây chỉ Hồ Hán Thương và con là Thái tử
Nhuế – ND) chạy đến Kì La, có phụ lão ra bái yết, nói rằng: -Chỗ này tên
gọi là Ki Lê (nói trại chữ Kì La, mang nghĩa khác là trói người bọ Lê, tức
họ Hồ vì sử vẫn chép Hồ Quý Ly là Lê Quý Ly – ND), ở trên kia có núi
Thiên Cầm (nguyên nghĩa là đàn trời, song ở đây, chữ cầm được dùng với
nghĩa là bắt, thiên cầm là trời bắt – ND), đấy là điềm không tốt, xin chớ lưu
lại ở đây.
Hai (cha con) họ Hồ nổi giận, chém chết người phụ lão ấy. Đến giờ, quả
nhiên cha con họ Hồ bị bắt ở nơi đó”.
Lời bàn
Chém Ngụy Thức ở Điển Canh rồi lại chém cụ phụ lão ở Kì La, cha con
Hồ Quý Ly chỉ bộc lộ cho trọn vẹn thêm bản chất tàn bạo của mình mà
thôi. Mới hay, cha con họ Hồ chẳng thể sánh với Ngô Miễn và Kiều Biểu,
càng không thể sánh với vợ Ngô Miễn là người phụ nữ mà đến bây giờ, sử
cũng chỉ mới biết họ, chưa biết được tên.
Ý của cụ phụ lão ở Kì La cũng có thể coi là ý dân vậy. Dân đã không
chứa chấp lại còn dùng thuật chơi chữ để dọa mà đuổi đi, ấy cũng bởi như
Nguyễn Trãi sau này nói:
“Vừa rồi, vì họ Hồ chính sự phiền hà,
Để khắp nước lòng dân oán giận”.
Dè đâu, dấu chấm hết triều Hồ cũng là dấu than, buồn thay!