trong nhà tối có một luồng ánh sáng, liền tới chỗ đó lấy thanh đao đem về.
Về đến nhà, không phải mài mà sáng (như dao mới), nhận thấy có hàng chữ
triện khắc trên thân đao, biết là một thanh đao quý. Đêm hôm sau, có trận
mưa gió, sáng ra, thấy trong vườn rau có lốt chân thần in trên lá rau, Vua
sai người vẽ hình vết chân ấy. Ngày hôm sau, Hoàng hậu ra vườn hái rau,
đến chỗ cây rau có hình bàn chân, bỗng được một quả ấn báu, dài rộng
ngay ngắn, một quả ấn khắc mấy chữ lối triện, trên lưng quả ấn khắc đích
họ tên Vua, nhận kĩ mới rõ. Vua biết là bảo vật của trời ban cho, bèn cúi
đầu lạy tạ. Ngày hôm sau, bỗng được cái chuôi kiếm ở gốc cây đa, rửa sạch
đất cát đi, thấy có khắc hình con rồng và con hổ, và hiện ra hai chữ “thanh
thúy”, đem lắp vào thanh kiếm đã bắt được hồi trước, vừa vặn không sai tí
nào, càng tin là vật của thần cho”.
Lời bàn
Ở đời, phàm người mình yêu thì bao giờ cũng đẹp, thậm chí, có khi mình
còn thấy cả cái đẹp trong chỗ chưa đẹp; và phàm là người mình kính thì khi
họ sống, mình thấy họ có uy, khi họ mất, mình thấy họ thiêng, thậm chí,
thấy cả cái uy và cái thiêng ngay trong chỗ rất bình thường nữa. Bậc dốc
lòng nuôi chí cả, bất chấp hiểm nguy mà làm nên đại sự nghiệp cứu nước
cứu dân như Lê Lợi, cổ kim nào có được mấy người. Cho nên, nếu trăm họ
cảm phục và kính trọng Lê Lợi, rồi nhân đó mà tặng thêm cho lí lịch Lê Lợi
những chi tiết li kì và sử gia xưa cũng viết về Lê Lợi với tấm lòng ấy, khiến
cho Lê Lợi càng trở nên khác thường, thì có gì là lạ đâu.
Vẫn biết rằng lúc vận nước nguy nan, ngọn cờ thiên hạ cần nhất là ngọn
cờ đủ sức quy tụ và cố kết lòng người chứ không phải là ngọn cờ có sắc
màu lạ, nhưng khi xã tắc thái bình, nếu ngọn cờ đủ sức quy tụ và cố kết
lòng người bỗng được vẽ thêm sắc màu lạ, thì trăm họ cũng sẽ sẵn lòng tin
là sắc màu ấy vốn đã có từ lâu.