người vợ lẽ và phải truy nộp 15 lạng vàng, 100 lạng bạc là số tiền do buôn
bán riêng mà có”.
Lời bàn
Phép nước xưa cho việc quan lại tổ chức hát xướng vui chơi hoặc giả là
cưới thêm vợ lẽ trong lúc có quốc tang là có tội. Phép nước như thế là đúng
hay sai, có lẽ xin được miễn bàn, chỉ biết rằng, phép nước bao giờ cũng là
phép nước, người có trách nhiệm làm gương thực hiện trước hết phải là
quan.
Cổ kim cho hay, người cố tình làm sai phép nước thường rất ít ai chỉ cố
tình làm trái một lần, và một khi đại thần đã cố tình làm sai phép nước thì
quan lại lớn nhỏ thế nào cũng có kẻ bắt chước mà hùa theo. Hai mươi
người cùng mắc tội giống như Lê Thụ, rồi Lê Vấn và Lê Ngân lại bào chữa
cho Lê Thụ, chuyện ấy có gì là lạ đâu.
Vua chỉ cho xét án mỗi mình Lê Thụ, Vua lại chỉ bắt Lê Thụ bỏ người vợ
lẽ mới cưới và nộp phạt ít tiền rồi tha tội cho, thế thì phép nước bị gạt bỏ
trước hết bởi chính bàn tay của Vua vậy. Cội nguồn của những sự kiện bi
thảm thời Lê Thái Tông bắt đầu từ đây chăng? Khi trong thiên hạ có người
được ngồi ngoài hoặc ngồi trên phép nước, thì loạn li là điều sẽ không sao
mà tránh được.