xin cho thần được về quê để sống nốt chút tuổi tàn còn lại. Còn như nếu bệ
hạ nghe lời kẻ gièm pha mà tra tấn người nhà của thần thì sợ khi bị đánh
đau quá, chúng sẽ khai sai sự thật. Đến lúc đó, thân thần cũng không giữ
nổi, xin bệ hạ nghĩ lại cho”.
Bất chấp mọi lời van xin, Nhà vua vẫn giao Lê Ngân cho hình quan xét
xử. Rốt cuộc, đến tháng 12 năm 1437, Lê Ngân bị buộc phải uống thuốc
độc mà tự tử ở nhà, con gái Lê Ngân là Huệ phi cũng bị giáng làm Tu dung
(hàng thấp nhất của vợ vua), gia sản của ông bị tịch thu. Mười sáu năm sau
(1453), nhân kì đại xá, vua Lê Nhân Tông mới cấp trả cho con ông 100
mẫu ruộng, rồi đến năm 1484, vua Lê Thánh Tông mới truy tặng ông là
Thái phó hoằng quốc công.
Lời bàn
Thời ấy, triều đình coi Nho giáo là độc tôn, cho nên Phật giáo và Đạo
giáo có phần bị bài xích. Giữa thời buổi ấy mà Lê Ngân lập bàn thờ Phật
trong nhà, tức là đã tạo cớ cho kẻ ghen ghét mình lập mưu ám hại vậy.
Nhưng. trách Lê Ngân thì được, chớ kết án Lê Ngân, buộc ông phải tự tử,
tịch thu gia sản và hắt hủi con ông … thì án ấy quả đáng để cho đời đời
cười chê. Lê Thái Tông trong vụ án này, xét đạo làm vua thì nông nổi và
bất minh, xét phận làm con rể thì thô bạo và bất nghĩa. Mới hay, lấy quyền
làm vua mà khiến cho thiên hạ sợ thì dễ, còn như lấy đức lớn của bậc đế
vương để khiến cho thiên hạ phục thì khó vô cùng.