Sau, (Vua) đành phải giao Nguyễn Liễu cho hình quan xét hỏi. Án xử
(Nguyễn Liễu) phải tội chém, nhưng Nhà vua xuống lệnh chỉ bắt thích chữ
vào mặt rồi đày đi xa”.
Lời bàn
Lương Đăng là hoạn quan bất tài nhưng đắc chí, hắn làm được tất cả
những gì hắn muốn làm là bởi lúc nào hắn cũng được Vua tin dùng. Vua
tuổi còn trẻ, chỉ thấy mình là nhất, ai khéo nịnh thì ưa, ai khẳng khái can
ngăn thì ghét. Có Vua ấy thì ắt có hoạn quan xảo quyệt ấy, có gì lạ đâu.
Các bậc lương thần như Nguyễn Trãi, Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn,
Nguyễn Văn Huyến và Nguyễn Liễu, há chẳng biết rằng, lời họ nói sẽ
chẳng bao giờ được Vua nghe hay sao? Nhưng, thấy điều sai mà không nói
là hèn, họ bị vua đương thời hắt hủi nhưng lại được hậu thế mãi mãi ngợi
khen, thế chẳng phải tốt hay sao.
Vua giảm tội mà tha chết cho Nguyễn Liễu nhưng vẫn tiếp tục tin dùng
bọn Lương Đăng và Đinh Thắng, vậy thì việc giảm tội xem ra chỉ cốt để
Vua tỏ rõ quyền uy hơn là tỏ rõ sự nhân đức và ý muốn thực sự cầu thị.
Tiếc thay!