Trước, Vua vẫn thích vợ của quan Thừa chỉ Nguyễn Trãi, tên là Nguyễn
Thị Lộ. Thị Lộ đẹp người lại có tài văn chương, Vua gọi vào cung, cho làm
Lễ Nghi học sĩ
, ngày đêm hầu cận. Khi đi tuần du miền Đông về, qua Lệ
Chi Viên (xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức), Vua thức suốt đêm với Nguyễn
Thị Lộ rồi mất. Các quan bí mật đưa linh cữu về. Ngày mồng sáu thì đến
kinh sư, vào đến cung là nửa đêm, lúc ấy mới phát tang. Ai cũng nói là
Nguyễn Thị Lộ giết vua”.
“Ngày 16 (tháng 8 năm 1442 – ND), giết quan Hành khiển là Nguyễn
Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước kia, Nguyễn Thị Lộ
ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy lấy làm thích, liền cợt nhả với thị.
Nay, Vua đi tuần miền Đông, lại ghé nhà Nguyễn Trãi chơi rồi sau mới bị
bạo bệnh mà mất, cho nên, khép Nguyễn Trãi vào tội ấy”.
Chuyện này, sách, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên,
quyển 17, tờ 23) chép gọn hơn, nhưng lại có thêm một chi tiết cụ thể hơn
về nguyên nhân cái chết dột ngột của vua Lê Thái Tông.
“Trước, vợ lẽ của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, đẹp người, hay chữ,
Vua nghe tiếng, mời đến, phong làm Lễ Nghi học sĩ, ngày đêm hầu cận,
nhân đó mà cợt nhả với Nguyễn Thị Lộ. Đến đây Vua đi tuần du phía
Đông, xa giá quay về đến Lệ Chi Viên (làng Đại Lại, huyện Gia Định) thì
Vua mắc chứng sốt rét. Thị Lộ vào hầu suốt đêm. Nhà vua mất. Trăm quan
đều giấu kín việc này, lặng lẽ rước ngự giá về cung. Nửa đêm, vào đến
cung mới phát tang. Người ta nói Thị Lộ giết vua, bèn bắt Thị Lộ”.
Lời bàn
Sau chiến tranh, hàng loạt anh hùng Lam Sơn lẩn lượt bị tha hóa, lo vinh
thân phì gia mà sao nhãng việc ích nước lợi dân, người đức độ như Nguyễn
Trãi bỗng dưng trở thành cái gai khó chịu trước mắt họ. Nguyễn Trãi đã cáo
quan xin về trí sĩ, lùi xa chốn kinh thành hỗn tạp mà nào có được sống yên.
Vua Lê Thái Tông đã loại bỏ bốn trong số năm bà vợ, còn một bà thì
đang bận con thơ, nhân đó mà cho Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ là người