Duyệt án xong, Nhà vua vẫn sợ bọn Lê Niệm, Nguyễn Lỗi, Lê Thọ Vực
và Trịnh Văn Sái trả thù Nguyễn Sư Hồi, bèn dụ bảo họ rằng:
“Bài thơ yêu ma đó chưa chắc đã do Sư Hồi làm. Trong chỗ còn ngờ, dễ
làm cho người hàm oan lắm. Vả chăng, những câu kể tội Lê Niệm, Nguyễn
Lỗi, Trịnh Văn Sái thì còn tạm cho là rõ, chứ như câu nói Thọ Vực hung
bạo thì mơ hồ lắm. Đó chưa phải là tội phản nghịch thì bắt Sư Hồi phải chết
làm sao được? Còn như nếu hắn quả đáng tội chết mà chưa bị giết thì trời
sẽ hại nó, sao lại manh tâm báo thù nó làm gì?”.
Lời bàn
Ai cũng khẳng định bài thơ nặc danh kia thực ra là do Sư Hồi làm, riêng
vua Lê Thánh Tông thì vẫn còn hơi ngờ vực. Giết người khi tội trạng hãy
còn ngờ, dù chỉ hơi ngờ, là điều khó dung tha được. Sự nghiêm cẩn của Lê
Thánh Tông thật đáng kính. Lời dụ bảo của Nhà vua chứng tỏ Nhà vua luôn
coi trọng chứng lí, bình tâm gạt bỏ mọi thù hằn cá nhân, các bậc đại thần
không cúi đầu vâng mệnh làm sao được.
Tác giả của bài thơ chiết tự thật đáng chê trách. Đường đường là quan lại
của triều đình, lẽ đâu lại bạc nhược đến độ không dám nói điều phải quấy
của đồng liêu? Hóa ra, vì thiếu dũng khí nên định nhờ lời đàm tiếu của
thiên hạ, vì tâm địa khó lường nên chơi trò ném đá giấu tay, chữ nghĩa đủ
để làm bài thơ chiết tự phức tạp mà khôn ngoan không đủ để phát biểu
đúng suy nghĩ riêng của mình, thương hại thay!