(Nghĩa là: một dải Hoành Sơn, dung thân muôn đời. Hoành Sơn, tên nôm là
Đèo Ngang, nằm giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình – ND).
Người được sai đi đem câu ấy về thuật lại, Chúa hiểu ý (của Nguyễn
Bỉnh Khiêm). Lúc ấy tuy xứ Thuận Hóa đã được dẹp yên, nhà Lê đã đặt
Tam ti (cơ quan cấp trấn, gồm Thừa ti trông coi về hành chính và thuế
khóa, Đô ti trông coi về quân sự và Hiến ti trông coi về tư pháp – ND) và
phủ huyện để cai trị, nhưng lòng dân vẫn còn li tán, Trịnh Kiểm cũng lấy
đó làm mối lo. Chúa nhờ chị là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm – ND) nói với
Kiểm cho mình vào trấn thủ đất Thuận Hoá. Trịnh Kiểm thấy đất ấy hiểm
nghèo lại xa xôi, bèn cho ngay. Khi vua Anh Tông lên ngôi (năm 1556 –
ND), Trịnh Kiểm liền dâng biểu nói: -Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân
lính và của cải đều từ đó mà ra, buổi quốc sơ, ta cũng nhờ đó mà làm nên
sự nghiệp lớn. Nay, lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ
Mạc, cũng có kẻ dẫn giặc về cướp phá, nếu chẳng có tướng tài đến trấn trị
để vỗ yên thì không xong. Nay, Đoan Quận công ta là con nhà tướng, có
mưu trí và tài lược, có thể sai đi trấn trị ở đấy cốt sao hợp sức với tướng
trấn thủ Quảng Nam, như thế mới mong giữ yên mặt nam.
Vua Lê nghe theo, trao cho chúa cờ tiết của trấn, phàm mọi việc của trấn
đều ủy thác cho Chúa cả, chỉ phải đóng thuế hàng năm mà thôi”.
Lời bàn
Phàm là đế vương, nếu không biết sợ nhân tâm li tán, không quy tụ và
trọng dụng được người tài, thì ngai vàng cũng chẳng khác gì đống lửa, ắt sẽ
có ngày thiêu cháy kẻ ngồi trên đó.
Như vua Lê Anh Tông và chúa Trịnh Kiểm, mối nguy chất chứa kể cũng
đã nhiều, tồn tại được chẳng qua là may mắn trong chỗ đẩy đưa không ngờ
của thế sự đó thôi. Nhưng, tồn tại như vậy, phỏng có vinh quang gì?
Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm lánh mình đi ở ẩn, thiệt là thiệt riêng
của triều Mạc, nhưng nếu đời sau không thấy đó thực sự là thiệt thòi, thì
mất mát của họ còn nặng nề hơn cả triều Mạc bội phần. Ngẫm mà xem!