Chúa mừng lắm, kéo quân về bờ biển để chờ. Thế tử tới bái yết, Chúa giận,
trách rằng: -Con là Thế tử, sao không biết giữ thân?
Chúa lại trách cứ Trung về tội sao không vào bẩm mệnh. Trung cúi đầu
tạ tội hồi lâu, rồi nhân đó, tìm cách khen ngợi oai phong của Thế tử, cho là
không ai có thể sánh kịp. Chúa cười nói rằng: -Trước kia, Tiên quân của ta
đã từng đánh giặc biển, nay con ta cũng như thế, ta không còn lo ngại gì
nữa.
Nói rồi, trọng thường cho (Thế tử) và trở về cung”.
Lời bàn
Trong mọi thứ luật, quân luật phải là thứ cần được nghiêm giữ hàng đầu,
bởi vì nếu quân luật không nghiêm, mối nguy không phải chỉ là của riêng
quân đội mà còn là của chung xã tắc, sau, dẫu có muốn hối cũng chẳng kịp
nữa. Thế tử Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Tần, chưa bẩm mệnh Chúa đã tự ý
ra đi, vậy là đã coi thường quân luật, lỗi không thể bỏ qua. Chúa giận mà
trách, ấy cũng là sự hợp lẽ thôi.
Nhưng, biển xa náo động, giặc ngang nhiên cướp phá dân lành, câm lặng
ngồi nhìn thì không phải là mắc lỗi mà là phạm đại tội, mang danh là
tướng, mặt mũi nào còn dám sống giữa trời cao đất dày? Có biến mới hay,
khoảng cách khí phách giữa Thế tử Nguyễn Phúc Tấn với Chưởng Cơ Tôn
Thất Trung là xa lắm. Người Hà Lan sợ trước hết là sợ khí phách lạ lùng
này, họ hốt hoảng bỏ chạy tán loạn khi chưa kịp nhận ra vị tướng chỉ huy
lực lượng tấn công họ là ai.
Dũng thay, Dũng Lễ Hầu!