Lời bàn
Đánh giá của Nguyễn Hữu Dật về cuộc tiến quân ra Bắc lúc ấy quả là rất
sâu sắc, nếu không phải là người cương trực và khách quan, quyết không
nói nổi. Nhưng, đáng suy gẫm hơn cả vẫn là ý kiến về phép chọn tướng của
ông.
Chọn người làm quan mà chỉ căn cứ vào mức độ gần gũi họ hàng thì
công đường rốt cuộc cũng chỉ là một gia đình đặc biệt. Vả chăng, một khi
mức độ thân sơ họ hàng được coi là chuẩn, thì mọi chuẩn mực khác như tài
năng, đức độ … đều bị coi thường, thậm chí là bị bỏ rơi. Mà ở đời, có gì
đáng sợ hơn, khi mà tài năng và đức độ bị rẻ rúng? Chúa nghe, vừa khen
vừa thưởng cho Nguyễn Hữu Dật, tiếc là không thấy sử chép việc Chúa đã
làm gì với đám tướng lĩnh vốn là họ hàng thân cận của Chúa nhưng lại …
bất tài. Trong cơ thể người ta, hình như cái tai là cơ quan mất cân đối nhất:
lỗ tai thì nhỏ mà vành tai thì to, lại gồm đến mấy vòng. Chỉ trừ tai điếc, còn
thì mọi âm thanh hay dở đều có thể vào dược. Cho nên, nghe lời hay nào có
khó gì? Cái khổ muôn đời vẫn là làm theo lời hay kia. Mà, việc này lại
không thuộc chức phận của tai.
Xin chớ trách Nguyễn Hữu Dật khi thấy ông đề nghị hậu đãi bổng lộc
suốt đời cho họ hàng nhà Chúa. Vào thời một người làm quan, cả họ được
nhờ, chuyện … ăn theo như thế có gì là lạ. Vả lại, nếu như không nói kèm
câu đó, liệu cái đầu của Nguyễn Hữu Dật có còn được nữa hay không? Có
những điều người ta nói ra không phải vì người ta thực lòng muốn vậy,
ngẫm mà xem!