Nghe thế, Hữu Tiến im lặng, có vẻ không bằng lòng. Bọn Tôn Thất
Tráng, Tống Hữu Đại và Phù Dương đều nói: -Đại binh đi chinh phạt thì
lệnh ở Nguyên soái (chỉ Nguyễn Hữu Tiến, vì lúc này Nguyễn Hữu Tiến
giữ chức Tiết chế – ND), sao Đốc chiến lại tự ý cho Tộ Long về? Vả chăng,
trước đây đã có bức mật thư, chúng tôi chưa hiểu hư thực thế nào, nay, chỉ
một lời của Tộ Long, ai mà dễ tin được? Chi bằng hãy đóng quân để chờ
thời.
Hữu Tiến nói: -Phải.
Hữu Dật đứng phắt dậy và nói: -Tôi cùng chư tướng vâng mệnh ra quân,
quyết chí báo đền ơn nước. Vừa đây, họ Trịnh gởi mật thư để chiêu dụ tôi
thì tôi đã tức tốc báo lên, chính vì muốn tương kế tựu kế mà làm việc lớn,
các ông không nên ngờ vực nhau như thế.
Hữu Tiến nói: -Bọn chúng ta chịu ơn nặng với nước nhà nên mới cùng
nhau dốc lòng báo đáp chứ có nghi ngờ gì. Nhưng, các tướng bàn nên đợi
thời, kể cũng có lí, Đốc chiến nên theo là phải.
Hữu Dật nghe vậy, uất ức mà thành bệnh”.
…”Bấy giờ, quân đóng lại (ở đất Bắc) đã lâu, có ý (nhớ nhà) nên muốn
về, quân Nghệ An mới đến hàng cũng có nhiều người trốn. Nguyễn Hữu
Dật hăng hái muốn tiến đánh, nhưng các tướng khác thì phần lớn lại không
hợp ý. Nguyễn Hữu Tiến thấy Nguyễn Hữu Dật nhiều lần được khen
thưởng nên sinh lòng ghen ghét. Phù Dương nói với Hữu Tiến: -Hữu Dật
chẳng qua là đứa học trò mặt trắng, nhờ khéo nói năng mà được tin dùng,
tự ví mình với Quản Trọng (mưu sĩ của nước Tề Trung Quốc thời Xuân
Thu – ND) và Nhạc Nghị (mưu sĩ của nước Yên, Trung Quốc thời Chiến
Quốc – ND), bọn chúng tôi vẫn lấy đó làm điều xấu hổ. Đã thế lại còn có
sứ Trịnh bí mật đi lại, sợ có ý khác đấy.
Hữu Tiến giả vờ cự lại rằng: -Ông nói sai rồi. Đạo làm tôi lấy trung ái
làm đầu. Trung để thờ vua, ái để kết bạn, cớ sao ông lại nghi kị nhau mà
phụ lòng tin cậy ủy thác của Chúa?