Đêm ấy, Hữu Dật sửa soạn binh giáp để chờ, khi biết tin Hữu Tiến rút
quân rồi thì quân Trịnh đã sang sông, tiến sát phía ngoài dinh trại (của Hữu
Dật). Hữu Dật liền giả vờ cho hát xướng và bí mật rút lui. Trịnh Căn ở
ngoài, nghe tiếng đàn sáo thì ngờ vực, không dám đến gần. Hữu Dật nhân
đó, thong thả rút quân về, đến Hoành Sơn thì gặp Nguyễn Hữu Tiến. Quân
Trịnh đuổi gấp nên theo kịp, hai bên giao chiến, quân Trịnh bị thương và
chết rất nhiều. Trịnh Căn cho lui lại hai mươi dặm rồi mới đóng đồn. Hữu
Tiến cũng lui đóng ở cửa Nhật Lệ, để Hữu Dật ở lại phía sau. Hữu Dật liền
sai người kéo cành cây, chạy trong rừng, cát bụi mù mịt, lại cho treo nhiều
cờ lên cây để nghi binh. Tướng Trịnh là Nguyễn Đễ thấy vậy, lấy làm ngờ
vực không dám tiến, các tướng nhờ đó rút quân an toàn về châu Nam Bố
Chính. Việc này báo lên, Chúa hạ lệnh chia quân đóng đồn ở những nơi
hiểm yếu để phòng ngự. Từ đấy, bảy huyện Nghệ An lại trở về Bắc Hà”.
Lời bàn
Trong chiến tranh, chỉ có một sự trung thực duy nhất, đó là quyết thắng,
còn như để đạt tới sự trung thực duy nhất này, muốn lường gạt đối phương
bao nhiêu cũng mặc, chẳng ai coi đó là gian xảo. Nhưng cũng trong chiến
tranh, đồng đội cùng chiến lũy, các tướng trong một bộ chỉ huy … mà
không tin nhau, lại còn lừa nhau và hại nhau, thì quả là không còn gì rẻ
rúng hơn nữa. Câu nối giáo cho giặc chính là để chỉ những trường hợp đại
loại như thế này.
Ai tin kẻ tiểu nhân, hào phóng đem tặng nghĩa tình một cách vô lối cho
kẻ tiểu nhân, thì đấy là lỗi của họ, còn như kẻ tiểu nhân thì bao giờ cũng rất
kiên trì, đã nuôi tâm hại ai là hại đến cùng, không khi nào chỉ hại một lần
rồi thôi. Cứ xem hành trạng của tướng Tôn Thất Tráng thì rõ. Trong vòng
chưa đầy mười năm, Tôn Thất Tráng đã mấy lần hãm hại Nguyễn Hữu Dật,
lúc thì phải ngồi tù, lúc thì chỉ chút xíu nữa là phải bỏ thây nơi chiến trận.
Khiếp thay!
Có bao nhiêu kẻ tiểu nhân thì cũng có bấy nhiêu kẻ mệnh yểu, xem ra
chúng sống được chẳng qua là nhờ sự hà hơi tiếp sức của những người hẹp
hòi và ưa ganh tị đó thôi. Trong số những người hẹp hòi lúc này, tiếc thay,