Nhà vua nói xong thì mất. (Nguyễn) Văn Huệ hỏi Ngọc Hân Công chúa
về tư chất của các Hoàng tử. Ngọc Hân Công chúa rất khen (Lê) Duy Cận,
cho là người tốt. (Nguyễn) Văn Huệ nhân đó muốn bàn lại việc chọn người
nối ngôi, khiến cho triều đình rất lo sợ nhưng không biết nên làm thế nào.
Các hoàng thân thì trách móc Ngọc Hân Công chúa vì cho là Ngọc Hân
Công chúa đã làm hại đến mưu kế lớn của xã tắc. Ngọc Hân Công chúa sợ,
về xin với (Nguyễn) Văn Huệ và (Nguyễn) Văn Huệ bằng lòng. Triều đình
bèn phò (Hoàng) Thái tôn lên ngôi Hoàng đế, đổi tên là (Lê) Duy Kỳ, lấy
năm sau (năm Đinh Mùi, 1787 – ND) làm năm Chiêu Thống thứ nhất”.
Lời bàn
Vua Lê Hiển Tông triệu vào mà Nguyễn Huệ không vào, thế là chí phải.
Từ lâu, triều đình vua Lê – chúa Trịnh chẳng ai tin ai, họ sẵn sàng vu oan
giá họa, sẵn sàng đẩy người vào chỗ chết … nghĩa là điên đảo lắm thay. Chí
cốt với nhau mà còn không tin nhau, bảo họ tin người từ phương xa mới tới
như Nguyễn Huệ làm sao được?
Không vào cung vua nhưng vẫn quan tâm sâu sắc đến công việc của triều
đình, ấy cũng bởi Nguyễn Huệ là … Nguyễn Huệ, có đấng anh hùng hào
kiệt nào lại dửng dưng trước thế cuộc đâu.
Thương thay Lê Hiển Tông, tấm thân của Vua thì chừng như chỉ mới
nhuốm bệnh, chớ cái đầu của Vua thì đã nhuốm bệnh lâu lắm rồi. Cứ nghe
lời trăn trối đầy bệnh hoạn của Nhà vua cũng đủ biết là căn bệnh trong đầu
Vua thật vô phương cứu chữa. Xem ra Lê Hiển Tông có khả năng làm nô
bộc nhiều hơn hẳn khả năng làm Vua, sợ sự tàn bạo kiểu của chúa Trịnh
hơn là sợ đức lớn của bậc anh hùng cái thế như Nguyễn Huệ.
Ngọc Hân Công chúa bị trách cứ nặng nề, bị coi là kẻ đã làm hại đến
mưu kế lớn của xã tắc … tất nhiên cũng là chí phải. Một hoàng tộc vốn tan
nát đã từ lâu, từng quen lấy cái xấu làm cái tốt, thử hỏi làm sao họ có thể
khen ngợi Ngọc Hân Công chúa được.
Chuyện kể rằng, học trò Khổng Tử hỏi Khổng Tử: người mà cả làng
khen tốt đã phải là người tốt chưa? Khổng Tử đáp là chưa chắc. Học trò lại