Lời nói đầu
Thuở mới cắp sách đến trường làng, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa
khác, tôi từng say mê đọc đi đọc lại sách Cổ học tinh hoa. Đúng là mỗi tuổi
có một cách đọc và cách cảm nhận khác nhau. Hồi ấy, chúng tôi chuyền tay
nhau xem đến nhàu nát cả sách, vậy mà thật là buồn cười, bởi chúng tôi
chẳng hề để ý xem tác giả là ai, cũng không sao nhớ nổi những mẩu chuyện
hấp dẫn kia vốn có.xuất xứ từ đâu, đến cả nhân vật và sự kiện, chúng tôi
cũng lẫn từ chuyện này sang chuyện kia, nhầm từ thời này sang thời nọ.
Hình như chúng tôi bị cuốn hút đến mê mẩn bởi một cái gì đó ở phía sau
những trang sách chứ không phải là ở giữa những hàng chữ in để đọc. Sau
vì tuổi trẻ hiếu sự, ưa bày trò đố nhau, tôi đọc kĩ lại cả bìa sách mới biết Cổ
học tinh hoa là của hai cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê
Nhân, còn những chuyện trong sách ấy đều có gốc tích từ thư tịch cổ của
Trung Quốc. Hậu sinh vô tâm nhưng vẫn chan chứa lòng thành, xin hương
hồn hai cụ vì thương mà rộng tình tha thứ.
Hồi ấy có người bảo tôi rằng đó là sách dạy đạo lí cổ, sách dạy làm
người. Ngày lại ngày, thầy giáo vẫn dạy chúng tôi rằng tiên học lễ, hậu học
văn. Lễ nghĩa thầy dạy hồi ấy là những gì rất cụ thể, đại loại như cách mời
chào, cách cư xử với người trên kẻ dưới sao cho phải phép … còn khái quát
lại, hỏi đạo lí là gì thì chúng tôi đành chịu. Có người bảo đó là sách dạy
triết lí cổ của Trung Hoa. Tuổi thơ cạn nghĩ, tôi không hình dung được, tại
sao trên đời này lại có môn học chất chứa toàn những lí sự như vậy, cho
nên, tôi cũng chẳng mấy để tâm đến điều này. Lại cũng có người nói đó là
sách dạy sử, trích lục từ sử sách của Trung Quốc. Thực long, tôi chẳng hể
nghĩ rằng sẽ có ngày làm nghề dạy sử và nghiên cứu lịch sử như hôm nay,
nên hồi ấy, tôi không chút lưu tâm đến giá trị sử học của sách Cổ học tinh
hoa.
Bước vào tuổi trung niên tôi mới vỡ lẽ là đọc Cổ học tinh hoa mà không
thấm thía ý nghĩa đạo lí, giá trị triết lí và lịch sử, thì cũng kể như chưa đọc
vậy. Và thế là tôi đọc lại. Có những quyển sách hợp với mọi người và tồn
tại mãi với mọi thời. Cổ học tinh hoa có lẽ là sách thuộc loại ấy. Chúng ta