06. Hồ Quý Ly với những đối thủ chính trị cuối cùng
Sau vụ mượn tay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông để bức hại vua Trần
Phế Đế và một loạt văn thần võ tướng thân tín khác của nhà vua, Hồ Quý
Ly tuy bề ngoài thì vờ như không đả động gì đến, nhưng trong lòng thì vô
cùng căm ghét kẻ đã dám bàn mưu trừ khử mình là Trang Định Vương
Trần Ngạc. Ngày ngày, Hồ Quý Ly tìm cách cô lập Trang Định Vương,
đồng thời dùng mọi thủ đoạn để dồn Trang Định Vương vào thế quẫn bách.
Đến năm Tân Mùi (1391), cơ hội rất thuận tiện để Hồ Quý Ly ra tay đã đến.
Sách Đại Việt sứ kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 20-b) chép rằng:
“Tháng 6, Trang Định Vương (Trần) Ngạc trốn ra trang
Nam Định.
Người ở trong trang ấy lấy thuyền đưa Ngạc ra trại Vạn Ninh (nay là vùng
Quảng Ninh – ND). Nhưng, người trong trại ấy là Dương Độ không nhận.
Thượng hoàng sai viên tướng coi quân Ninh Vệ
là Nguyễn Nhân Liệt
đuổi bắt về. Quý Ly ngầm sai Liệt giết (Ngạc) đi. Nhân Liệt đánh chết
Ngạc rồi về tâu là Ngạc bạo ngược nên đã bị giết”.
Chẳng bao lâu sau khi Trang Định Vương chết, Thượng hoàng chợt tỉnh
ngộ, hỏi ai là người đi bắt Trang Định Vương. Lúc ấy, Nguyễn Nhân Liệt
sợ quá mà thắt cổ tự tử. Thế là Trần Ngạc và Nhân Liệt thì mất mạng, triều
đình thì mất một thân vương và một võ tướng, Thượng hoàng thì mất một
người con, chỉ có Hồ Quý Ly là chẳng mất gì cả, lại còn được thêm uy
quyền.
Bấy giờ, các tướng giữ đất Hóa Châu (vùng Bình Trị Thiên cũ) như Phan
Mãnh, Chu Bỉnh Khuê … đều buồn chán mà đàm tiếu đủ chuyện, đều bị
Hồ Quý Ly bắt giết cả. Trong khi Hồ Quý Ly lộng quyền như thế thì người
có trách nhiệm can gián và hặc tội là quan Ngự sử Đỗ Tử Trừng lại không
dám nói gì. Hồ Quý Ly bèn làm thơ nhạo báng Đỗ Tử Trừng. Thơ ấy có
câu rằng:
Phiên âm:
Tá vấn Tử Trừng nọa trung úy,
Thư sinh hà nhẫn phụ bình sinh.