27. Đức độ của Giản Định Đế
Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), nhờ được sự trợ giúp đắc lực của
Trần Triệu Cơ, Giản Định Vương Trần Ngỗi lên ngôi Hoàng đế ở Mô Độ,
châu Trường Yên (nay thuộc xã Yên Mô, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình),
đặt niên hiệu là Hưng Khánh. Sử bắt đầu gọi Giản Định Vương là Giản
Định Đế kể từ đó.
Lên ngôi vừa được hai tháng, Trần Ngỗi đã giết hại một lúc đến hơn 500
người, gồm cả tôn thất họ Trần lẫn nhiều người khác. Sách Đại Việt sử kí
toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 9 a-b) chép rằng:
“Giết bọn ngụy quan Trần Thúc Dao và thuộc hạ hơn 500 người. Trước
đây, người Minh lấy tôn thất họ Trần là Trần Thúc Dao con của Trần
Nguyên Đán) giữ đất Diễn Châu (Nghệ An – ND) và lấy cựu tướng quân là
Trần Nhật Chiêu giữ đất Nghệ An. Đến đây, vua lên ngôi mà họ không đón
rước nên bị giết.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thiên hạ đại loạn, nhân dân ở Nghệ (An) và
Diễn Châu nào biết ai là chân chúa? Thúc Dao là con nhà tôn thất, Nhật
Chiêu là tướng quân cũ, cùng nhận quan tước của nhà Minh để giữ đất và
trị dân, thử hỏi, dân không theo liệu có được không? Giết Thúc Dao và
Nhật Chiêu là phải, còn thuộc hạ nên vỗ về mà dùng, chúng dám đâu lại
không cảm kích ơn đức đó. Giết đến nhiều như vậy thì làm sao mà gọi là
đạo quân nhân nghĩa được?”
Có thể coi sự kiện này là lần đại thất đức thứ nhất của Trần Ngỗi. Ông
dựng cờ xướng nghĩa chống xâm lăng, nhưng chưa giết được tên giặc nào
thì đã giết quá nhiều dân.
Một năm sau, vào tháng 10 năm Mậu Tí (1408), Trần Ngỗi lại có thêm
sự phò tá của cha con Đặng Tất, Đặng Dung và cha con Nguyễn Cảnh
Chân, Nguyễn Cảnh Dị. Họ đều là những bậc danh tướng tài kiêm văn võ,
cho nên, thanh thế của Giản Định Đế lên rất nhanh. Hai tháng sau, (vào
ngày 14 tháng 12), Đặng Tất đại phá quân Minh ở Bô Cô (Ý Yên, Nam
Định), chút xíu nữa là giết được Tổng binh giặc. Tiếc thay, sau trận đại