15. Chuyện Phan Ngạn
Phan Ngạn là tướng của Nam triều, được Nam triều phong tước Kế Quận
công. Năm 1592, Nam triều kể như dã đè bẹp được Bắc triều, tuy nhiên, dư
đảng của họ Mạc vẫn còn hoạt động khắp miền Đông Bắc. Trước tình hình
đó, Nam triều cử Kế Quận công là Phan Ngạn, đem 300 chiến thuyền, một
con voi và đông đảo lính thủy, lính bộ đi đàn áp. Cuối năm Ất Mùi (1595),
Phan Ngạn đã có mặt ở Hải Dương. Ngày mồng ba tết Bính Thân (1596),
Phan Ngạn đã đụng độ một trận quyết liệt với đối phương. Sách Đại Việt sử
kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, từ tờ 53-b đến tờ 55-a) chép như
sau:
“Khi ấy; Phan Ngạn đóng quân chưa yên chỗ, quân sĩ chưa kịp mặc áo
giáp mà thuyền giặc đã tới ngoài cửa dinh, ai cũng luống cuống, chỉ có 45
người cùng đi với Phan Ngạn ra chống cự mà thôi. Có viên tướng (Nam
triều), người Giao Thủy là Lễ Quận công, thấy thế giặc mạnh, tự liệu rằng
quân ít, sức không chống nổi, đem quân của mình rút lui trước, Phan Ngạn
cho là nhát gan, liền chém chết và rao cho mọi người biết. Nhờ vậy, ai cũng
liều chết mà đánh. Đúng khi đó, có một đội thuyền nhẹ từ Tây Chân (thuộc
Nam Hà cũ – ND) tiến ra. Tướng giặc ngờ là có quân cứu viện, liền tự tan
vỡ, bỏ thuyền nhảy xuống sông chạy trốn. Phan Ngạn cho gọi các thuyền
lớn nhỏ của mình, nhất loạt xông ra kịch chiến ở giữa sông, chém được
tướng giặc là Ly Quốc công, Thái Quốc công, An Quốc công, Thụy Quận
công … (tất cả đều không rõ họ tên) và hơn hai mươi viên tì tướng khác.
Quân Phan Ngạn chém được 2298 thủ cấp, thu thuyền bè khí giới nhiều
không kể xiết, sau lại còn bắt sống được tướng giặc là Hào Quận công
(không rõ tên). Giặc tan tác chạy về bản quán của chúng.
Ngay hôm ấy, tướng giặc là Hào Quận công bị giải đến trước cửa quân.
Phan Ngạn tự mình cởi trói (cho Hào Quận công) và dụ dỗ: -Muốn sống thì
hãy làm người hướng đạo cho ta, bắt được Tráng Vương (chỉ Mạc Kính
Chương, kẻ cầm đầu thế lực họ Mạc lúc ấy – ND) ta sẽ tha tội chết cho.