30. Đào Duy Từ gặp người tri kỉ
Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 2) chép rằng:
“Ất Sửu, năm thứ 12 (tức năm 1625 – ND). Mùa đông, Đào Duy Từ đến
theo (chúa Nguyễn). Duy Từ người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, xứ
Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa – ND), làu thông kinh sử lại giỏi cả
thiên văn và thuật số. Năm ấy, Thanh Hoa có kì thi Hương, quan Hiến ti
cho Duy Từ là con phường chèo nên tước bỏ tên, không cho vào thi. Duy
Từ bực tức trở về, nhân nghe tiếng chúa (Nguyễn) yêu dân và quý học trò,
các bậc hào kiệt đều quy phục, nên quyết chí vào Nam một mình để theo.
(Đến nơi, Đào Duy Từ) ở huyện Vũ Xương đến hơn một tháng nhưng
không ai biết đến cả. Lúc ấy có tin quan Khám lí huyện Hoài Nhân là Trần
Đức Hòa, giàu mưu lược, được Chúa tin dùng, (ông) bèn vào Hoài Nhân,
(lúc đầu) giả thác làm người ở chăn trâu cho một nhà giàu ở xã Tùng Châu.
Nhà giàu này thấy ông là người biết rộng, nghe nhiều, bèn nói với (Trần)
Đức Hòa. Đức Hòa đến nói chuyện với ông, thấy ông không có điều gì là
không thông suốt, lấy làm kính trọng, bèn gả con gái cho. Duy Từ từng
ngâm bài Ngọa Long Cương để tự ví mình (với Khổng Minh Gia Cát
Lượng). Đức Hòa thấy thế, nói: -Đào Duy Từ là Ngọa Long (tức Khổng
Minh – ND) đời nay chăng?”
Năm 1627, quân của Trịnh Tráng chủ động tấn công quân của chúa
Nguyễn, nhưng trải mấy tháng trời không thể thu được thắng lợi, họ liền rút
lui. Được tin này, Trần Đức Hòa từ quê nhà là Hoài Nhân ra tận phủ Chúa
để chúc mừng. Cũng sách trên chép tiếp:
“Chúa hỏi cuộc sống của dân xứ Quảng Nam sướng khổ thế nào, Hòa
liền thưa: -Nhờ chúa thượng rộng ban ơn huệ, lại giữ hiệu lệnh nghiêm
minh nên trăm họ ai ai cũng được an cư lạc nghiệp.
Nới rồi, Đức Hòa ung dung lấy bài Ngọa Long Cương từ trong tay áo ra
dâng và thưa rằng: -Bài thơ này do gia sư của tôi là Đào Duy Từ làm ra.
Chúa xem, thấy lạ, liền giục mời (Đào Duy Từ) đến. Mấy ngày sau, Đức
Hòa cùng Đào Duy Từ đến ra mắt. Lúc ấy, Chúa mặc áo trắng, đứng ở cửa