23. Nguyên do việc chúa Trịnh Giang mắc bệnh kinh quý
Theo Đông y, bệnh kinh quý là bệnh tâm thần bất định, hay bị hốt hoảng
và sợ hãi. Chúa Trịnh Giang (1729-1740) là người mắc phải chứng bệnh
này. Các bậc danh y đương thời, những người trực tiếp lo việc chữa trị cho
Trịnh Giang, chẳng ai để lại bút tích gì, bởi vậy, xin được làm việc có phần
ngược đời, đó là lấy ghi chép của sử cũ để cắt nghĩa bệnh tình của Trịnh
Giang.
Sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ cho hay: Trịnh Giang là kẻ
dâm loạn, từng tư thông với bà Kỳ Viên phi Đặng Thị (người xã Trà Đổng,
huyện Tiên Du, nay thuộc Bắc Ninh), vốn là vợ lẽ của chúa Trịnh Cương
(cha Trịnh Giang). Chuyện này bị bà Vũ Thái phi (mẹ của Trịnh Giang)
phát giác. Bà ép Kỳ Viên phi Đặng Thị phải tự tử. Một hôm, chẳng hiểu vì
sao Trịnh Giang bị sét đánh gần chết, nhân đó mà mắc bệnh kinh quý, hễ
nghe có sấm sét là kinh hồn bạt vía. Bọn hoạn quan liền nói với Trịnh
Giang rằng, duyên do chẳng qua vì dâm dục thái quá nên bị ác báo, muốn
chữa, chỉ có cách … đào hầm làm nhà ở dưới đất. Trịnh Giang bèn dựng
cung Thưởng Trì để ở, không dám đi ra ngoài như trước nữa.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 38,
tờ 15) thì viết:
“Từ ngày làm việc bạo nghịch là giết vua (chỉ việc Trịnh Giang phế truất
rồi giết chết vua Lê Đế Duy Phường – ND), Trịnh Giang càng ngày càng
tiếm quyền, ăn chơi dâm loạn không còn chừng mực gì nữa, cho nên về sau
mới mắc bệnh kinh quý, sợ sấm sợ sét lắm. Bọn hoạn quan là Hoàng Công
Phụ đánh lừa, đào đất làm cung Thưởng Trì cho (Trịnh) Giang ở. Từ đấy,
(Trịnh) Giang không còn dám bước chân ra ngoài. (Hoàng) Công Phụ cùng
đồ đảng liền nhân đó mà lộng quyền, các bậc đại thần nối nhau bị hại, kẻ
thì bị giết, kẻ thì bị phạt, ai ai cũng lo sợ không giữ nổi tấm thân của mình,
chính sự trái ngược mà thuế khóa thì nặng nề, dân chỉ còn mong sao cho
chóng có loạn lạc”.
Lời bàn