33. Sự tích … sinh đồ ba quan
Từ thế kỉ thứ XV trở đi, chế độ thi cử ở nước ta đã đạt tới trình độ chính
quy và chặt chẽ. Bấy giờ, thí sinh (nếu giỏi) thì phải trải đủ hai khoa thi
chính là thi Hương và thi Hội, cùng một khoa thi phụ là thi Đình (cũng gọi
là thi Điện). Thực ra, còn có một khoa thi phụ nữa, nhưng khoa thi này ít
được ai nhắc tới, bởi nó phụ đến mức … rất phụ. Khoa này được tiến hành
trước khi thí sinh dự thi Hương, và chỉ những ai vượt qua mới được dự thi
Hương. Gọi nôm na thì đấy là cuộc sơ tuyển, thường là do quan huyện hoặc
quan phủ đảm trách. Từ thế kỉ XVII trở đi, khoa này được gọi là khoa Minh
Kinh, dẫu là trong lịch sử trước đó, nhà n vẫn thỉnh thoảng tổ chức các
khoa thi, cũng gọi là khoa Minh Kinh, có khác chăng thì chỉ là ở chỗ, Minh
Kinh trước đó là khoa thi chính thức, được tổ chức theo yêu cầu nhất thời
của triều đình và đỗ được ở khoa này cũng khó khăn lắm.
Một khi chính sự đã thối nát thì sớm muộn thế nào trường thi cũng là nơi
chen chúc của những kẻ bất tài và mua bán, hối lộ mà thôi. Tháng 11 năm
Canh Ngọ (1750), triều đình vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Doanh đã
cho phép thí sinh nạp tiền để thay cho việc dự thi khoa thi phụ này, và gọi
đó là tiền … thông kinh! Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục
(Chính biên, quyển 41, tờ 2) chép rằng:
“Ở buổi đầu trung hưng, số tiền do Sinh đồ (tức Tú tài, những người này,
nếu muốn đi thi tiếp, đều phải thi lại ở trường Hương
phải chi dùng cho các Hiệu quan (quan trông coi về giáo dục – ND) của
huyện. Từ năm Bảo Thái (niên hiệu của vua Lê Dụ Tông, dùng từ năm
1720 đến năm 1729 – ND), triều đình bắt đầu thi hành việc đánh thuế điệu,
mọi khoản đều phải trông vào công quỹ, cho nên, tiền Minh Kinh cũng phải
nạp cho quan sở tại, có thế mới đủ chi dùng cho việc tổ chức trường thi.
Đến đây, vì việc đánh dẹp diễn ra triền miên, chi phí không biết bao nhiêu
mà kể, của kho không đủ để chu cấp, cho nên (triều đình) hạ lệnh rằng, hễ
năm nào có khoa thi Hương thì cho phép mọi người được nạp ba quan tiền
để thay cho việc khảo hạch (ở huyện), rồi cũng cho được đi dự thi, và gọi
đó là tiền Thông Kinh. Lúc ấy, có lẽ vì tránh phạm vào hiệu Minh Vương