Tự dưng tôi tưởng tượng bà cụ phải là người miền Trung, cái miền
Trung “đất cằn sỏi đá, bốn mùa hối hả, vất vả quanh năm, nhuộm màu
nắng gió”, máu trộn nước mắt quyện lẫn với mồ hôi. Quê hương bà
phải nằm ven theo bờ biển dài xinh đẹp. Bà cụ đích thị phải ở ngay tại
Qui Nhơn.
Hơn 30 năm trước, khi bà cụ chưa là bà cụ như bây giờ, cái tuổi
chưa tới 40 mà đã một thân một mình chăm lo cho đàn con nheo nhóc.
Ông chồng vừa chết trận chưa được bao lâu thì đứa con gái út ngỗ
nghịch, cứng đầu cứng cổ nhất nhà biệt tăm biệt tích. Cái nỗi buồn của
bà nhân đôi, nhưng bà cố dằn tiếng khóc, dìm cái nấc, nghẹn ngào mà
chăm lo cho những đứa còn lại.
Đúng cái ngày giỗ đầu của chồng, người phát thư ghé nhà đưa cái
thư bảo đảm cho bà ký nhận. Cái thư có dán con tem nước ngoài, run
run xé cái thư ra đọc mà bà khóc nức nở, ướt nhòe cái lá thư hình như
chữ cũng đã nhòe nhoẹt nước mắt. Cái lá thư của cô con gái út mất tích
gửi về. Bà vừa đọc vừa khóc, xong để lá thư lên bàn thờ cho ông chồng
đọc. Từ đó về sau, xấp thư càng ngày càng dày và cứ mỗi lần thắp
nhang cho chồng, bà lại lấy lá thư đầu tiên ra đọc lại. Những tờ thư
càng ngày càng mờ, những giọt nước mắt mới rơi xuống che lấp những
giọt nước mắt cũ đã khô.
Hai năm trước cái ngày sinh nhật thứ 70, bà lại khóc thêm một lần
nữa. Bà ôm mấy đứa con, mấy đứa cháu đưa tiễn, từ giã bà ở phi
trường. Bà khóc nức khóc nở. Khóc vì sắp gặp lại, sum họp với đứa
con gái út, khóc vì lại phải xa mấy đứa con đàn cháu mà ngày ngày lúc
nào cũng quây quần bên bà. Bà không muốn chọn lựa, bà cứ để mặc
cho cuộc đời tự nó mà trôi. Đứa con út nơi xa chưa muốn trở về, mấy
con chị, đàn cháu ngoại của bà đâu có dễ gì mà được ra đi. Chỉ có bà là
dễ dàng, thôi hãy cứ “để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”. Gió Đông Bắc sẽ
đưa bà tới gặp đứa con gái út, rồi gió sẽ đổi chiều, ngọn gió Nồm sẽ
mang bà về lại gặp mấy đứa con gái khác. Cuộc đời bà bấy lâu nay, đâu
có cái nào mà bà được toàn quyền chọn lựa!