Ngày tôi mới theo ông, tôi rất sợ ông, lúc nào cũng giữ gìn và không dám
đến gần ông. Nhưng bây giờ như có một mối thông cảm khiến cho tôi kính
yêu ông.
Khi bước chân ra khỏi làng tôi, tôi coi ông như những người đàn ông khác
vì lúc đó tôi chưa biết phân biệt.
Nhưng sau ngày lưu trú ở gần bà Mỹ-Lưu, mắt và trí khôn tôi được mở
rộng ra, thì lạ quá! Khi tôi ngắm kỹ thầy tôi, tôi nhận thấy cử chỉ, dáng điệu
và kiểu cách của thầy tôi có nhiều điểm tương đồng với cử chỉ, dáng điệu
và kiểu cách của bà Mỹ-Lưu.
Tôi tự nghĩ có lẽ tôi nhận lầm chăng vì thầy tôi chỉ là một người diễn trò
rong, còn bà Mỹ-Lưu là một bà khuê các. Nhưng đúng thế vì mắt tôi nhìn
không sai. Khi nào thầy tôi muốn, thì thầy tôi tỏ ra trang trọng chẳng khác
gì bà Mỹ-Lưu. Có chỗ khác nhau là bà Mỹ-Lưu lúc nào cũng trang trọng,
còn thầy tôi thì tùy trường hợp, nhất là khi đối với những kẻ hung hăng, vô
lễ.
Tuy tôi không hung hăng, không vô lễ, nhưng tôi vẫn sờ sợ, vì thế tôi
không dám mạn phép thổ lộ những cảm tình nồng nàn của tôi, mặc dầu
những lúc thầy tôi tỏ dấu thương yêu tôi.
Sau khi rời tỉnh Cette, trong nhiều ngày, chúng tôi không hề nói chuyện về
bà Mỹ-Lưu và đến thuyền Thiên-Nga nữa. Nhưng dần dần vấn đề đó lại
được nhắc đến trong những câu chuyện của chúng tôi mà bao giờ thầy tôi
cũng là người nêu ra trước. Rồi cái tên của bà Mỹ-Lưu chẳng hôm nào
không được nhắc tới.
Ông Vỹ-Tiên bảo tôi:
- Con mến bà ta lắm phải không? Ta biết lắm. Bà ta rất tốt với con. Con nên
nhớ ơn.
Rồi thầy tôi thường nói thêm:
- Phải làm thế!
Phải làm thế là làm gì?
Trước tiên tôi không hiểu câu nói đó, sau dần dần tôi mới vỡ nghĩa ra rằng
“phải làm thế” tức là phải từ chối bà Mỹ-Lưu về việc giữ tôi.
Chính mỗi khi nghĩ đến việc này mà thầy tôi đã thốt ra câu “phải làm thế”.