- Chúng ta không nghe thấy gì, thật đấy. Nhưng ở đây liệu ta có thể nghe
được không? Ai thính tai? Chứ tôi thì kém. Nếu khi chúng ta có thể nghe
được và thấy rằng người ta không làm việc, thì ta có thể nói quyết rằng
người ta bỏ chúng ta không? Chúng ta có biết nguyên do cái tai họa đó ở
đâu ra không? Nếu là một cuộc động đất thì người ta còn phải cứu những
người còn sống sót trong thành phố chứ. Nếu là một trận lụt như tôi đã
đoán, thì người ta xem tình trạng các lò đã. Những lò có thể lở hầm. Hầm
nhà đèn cũng có thể sụt được. Cần phải có thì giờ mới tổ chức cuộc cấp cứu
được. Tôi không nói rằng chúng ta được cứu thoát. Nhưng tôi nói rằng
người ta sẽ làm việc để cứu chúng ta.
Giọng nói cương quyết của Giáo-sư khiến những người hoài nghi hay
những người nhút nhát cũng phải yên trí.
Tuy nhiên, Bảy-Nhu vẫn chưa chịu, hỏi:
- Nếu người ta tưởng chúng ta chết cả rồi thì sao?
- Người ta vẫn tiến hành. Nếu sợ người ta tưởng chúng ta chết rồi thì chúng
ta tìm cách tỏ cho người ta biết là chúng ta vẫn còn sống. Chúng ta nên đập
mạnh vào vách đá, vì tiếng động có thể truyền qua đất được. Nếu người ta
nghe thấy, người ta sẽ làm gấp và tiếng động của ta sẽ chỉ lối cho họ tìm.
Bảy-Nhu, chân đi đôi bốt to tướng, đá mạnh vào vách cồm cộp như kiểu
những người thợ mỏ thường gọi nhau. Tiếng gõ đó và nhất là lòng mong
đợi làm cho chúng tôi tỉnh táo đôi chút. Người ta có nghe thấy không?
Người ta có trả lời chúng tôi không?
An-Thiện nói:
- Giáo-sư ơi! Nếu người ta nghe biết chúng ta, thì người ta sẽ làm thế nào
để cứu chúng ta?
- Chỉ có hai cách. Tôi tin rằng các Kỹ sư trên ấy thế nào cũng phải dùng
đến: một mặt đào những hố sâu cho tới chỗ chúng ta, và một mặt múc hết
nước trong hầm đi.
- Đào hố ư?
- Múc nước ư?
Giáo-sư không để ý đến những câu hỏi đó và nói tiếp:
- Chúng ta ở cách mặt đất 40 mét, phải không? Mỗi ngày đào được 6 hay 8