VÔ GIA ĐÌNH - Trang 279

Bây giờ họ ở đâu?
- Cha tôi đâu?
- Chồng tôi đâu?
- Trả con tôi đây!
Tiếng hỏi chen tiếng khóc. Người ta biết trả lời thế nào cho những người
con, những người vợ và những người mẹ khốn nạn ấy?
Các Kỹ-sư họp bàn và đã trả lời vắn tắt:
- Để chúng tôi tìm. Chúng tôi liều làm thử.
Thế rồi công cuộc cấp cứu bắt đầu.
Liệu có thể tìm được một người sống sót trong đám 120 người đó chăng?
Phần không chắc thì nhiều mà phần hy vọng thì ít. Nhưng có cần chi? Cứ
việc tiến!
Công cuộc cấp cứu tổ chức đúng như lời Giáo-sư phỏng đoán. Những
thùng múc nước được đặt ở ba lò và người ta làm ngày làm đêm cho đến
giọt nước cuối cùng được trả vào sông Đinh-Giang.
Đồng thời, người ta bắt đầu đào những đường hầm. Đào ngả nào? Từ chỗ
nào? Người ta cũng không biết rõ. Đào phỏng chừng và cứ việc đào.
Ý kiến bất đồng xảy ra giữa những Kỹ-sư về việc đào hầm thế nào cho
đúng chỗ các nạn nhân sống sót. Nhưng Kỹ-sư mỏ Thụy-Khê quả quyết
rằng thợ của Kỹ-sư có thể trốn lên các hầm cũ, chỗ đó nước không tới được
và nhất định đào một đường thẳng xuống chỗ đó dù không tìm thấy một
người nào.
Con “đường hang chuột” này đào hết sức hẹp lòng để khỏi mất nhiều công
và nhiều thì giờ. Vì thế chỉ dùng một người thợ cuốc xuống đào, than vụn
cuốc ra lần lượt được kéo lên bằng một cái rổ có dây thòng xuống. Người
thợ này mệt, người thợ khác xuống thay ngay.
Cứ luôn tay như thế, ngày cũng như đêm, người ta làm không nghỉ, không
ngừng, ở cả hai nơi: múc nước và đào hang.
Thì giờ đã dài cho những người làm việc bên trên thì lại càng dài cho
chúng tôi ở dưới đất không biết bao nhiêu. Chúng tôi bị giam cầm và phải
bó tay đành chịu chờ người đến cứu vớt mà thôi. Tiếng thùng múc nước xa
vẳng bên tai không làm cho chúng tôi mừng cuống như lúc ban đầu nữa.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.