- Mong rằng chúng ta sa vào đúng chỗ.
Mắt bạn tôi sáng ngời lên. Chắc chắn ông Phi-Nam sẽ trả lời cho tất cả
những câu hỏi của anh và chắc chắn Giáo-sư không lúng túng về câu hỏi
“tại sao” người ta lại dùng những dấu “thăng” khi lên và những dấu
“giáng” khi xuống giọng.
Có một điều làm cho tôi lo: một Nhạc sư danh tiếng như thế không biết có
bằng lòng nhận dạy những học trò khốn nạn, nghèo túng như chúng tôi?
Tôi hỏi:
- Ông Phi-Nam có bận lắm không?
- Bận lắm chứ. Chắc thế. Sao lại không được.
- Không biết ngày mai ông ấy có tiếp chúng tôi không?
- Có chứ. Ông ta tiếp tất cả mọi người miễn là người ta có tiền trong túi.
Chúng tôi có tiền trong túi, nên rất yên tâm. Trước khi đi ngủ, mặc dầu
nhọc mệt, chúng tôi bàn định rất lâu về những câu định sẵn để hôm sau đến
hỏi Giáo-sư danh tiếng đó.
Sáng hôm sau, sau khi đã ăn mặc chỉnh đốn – chỉnh đốn đây có nghĩa là
sạch sẽ; vì ngoài bộ quần áo chúng tôi đang mặc không còn bộ nào mới đẹp
nữa – chúng tôi lấy nhạc khí, Mã-Tư mang vĩ-cầm, tôi đeo thụ-cầm, cùng
nhau ra phố tìm đến nhà Giáo-sư Phi-Nam. Con Lãnh-Nhi cũng muốn theo
đi, sợ đem cả chó đến nhà một Nhạc sư trứ danh không tiện nên chúng tôi
phải buộc nó vào chuồng ngựa nhà trọ.
Khi chúng tôi đến trước cửa nhà Nhạc sư mà người ta đã chỉ cho, chúng tôi
ngờ ngợ vì trước cửa nhà đó có treo hai cái đĩa cạo râu bằng đồng, những
vật này không phải là biểu hiệu của một nhà Nhạc sư.
Chúng tôi đứng ngắm, nhà đó có vẻ là một hiệu thợ cạo. Chợt có một người
đi qua, chúng tôi hỏi thăm nhà ông Phi-Nam ở đâu? “Ở đây”, họ vừa nói
vừa chỉ vào hiệu cạo. Tôi nghĩ một nhạc sư sao lại không được ở cùng nhà
với người thợ cạo?
Chúng tôi bước vào. Trong hiệu chia làm hai phần đều nhau: phần bên
phải, ở trên những cái giá gỗ, có các thứ như lược, bàn chải, dao, kéo, nước
hoa, xà phòng; phần bên trái, có bày hoặc treo các thứ nhạc khí như đàn,
sáo, kèn lớn, kèn con.