Không muốn để con bò của chúng tôi mỏi mệt và cũng không muốn đến
Văn-Ông vào một giờ muộn quá, tôi định sẽ nghỉ lại ở làng năm xưa, ông
Vỹ-Tiên đã đưa tôi vào một nhà trọ, ngủ đêm thứ nhất của tôi trên ổ cỏ khô;
thấy tôi buồn khóc, con Lãnh-Nhi đã đến đặt chân nó vào tay tôi để an ủi
tôi. Rồi sáng hôm sau, từ làng đó chúng tôi sẽ về nhà mẹ nuôi tôi sớm.
Nhưng số phận từ trước đến giờ vẫn may mắn cho chúng tôi, bây giờ lại
tráo trở và đảo lộn cả cái chương trình của chúng tôi.
Chúng tôi chia ngày đường của chúng tôi làm hai phần, khoảng giữa dùng
vào việc ăn trưa và nhất là để cho bò của chúng tôi ăn cỏ non ở hai bên ria
đường.
Lúc đầu, tôi phải giữ dây cho bò ăn, nhưng thấy nó hiền lành và chăm chú
gặm cỏ nên tôi quấn dây chung quanh sừng nó và ngồi ăn bánh mì bên cạnh
cho thảnh thơi.
Lẽ tất nhiên là chúng tôi ăn xong trước bò. Ngắm mãi con bò cũng chán,
chúng tôi rủ nhau đánh bi. Xin độc giả chớ tưởng tượng rằng chúng tôi là
những người đạo mạo và nghiêm trang chỉ lo kiếm tiền. Mặc dầu chúng tôi
sống một đời khác với những trẻ bằng tuổi chúng tôi, chúng tôi vẫn có
những tính tình và sở thích của tuổi thơ, nghĩa là chúng tôi thích chơi như
các trẻ khác và không ngày nào là chúng tôi không đánh bi, đá cầu hay
nhảy cừu. Thường thường, bất thình lình và vô lý, Mã-Tư hỏi tôi:
- Chơi không?
Thế là bỏ túi, bỏ đàn xuống, chúng tôi chơi ngay ở dọc đường. Nhiều lần,
nếu tôi không có đồng hồ, thì đã ham chơi đến tối. Nhưng cái đồng hồ nhắc
cho tôi biết: tôi là đoàn trưởng, tôi phải làm việc, phải kiếm tiền để sống.
Nên tôi lại khoác đàn lên vai đau nhức. Tiến lên!
Chúng tôi đã đánh bi xong mà con bò vẫn còn gặm cỏ. Thấy chúng tôi đến
gần, nó đưa dài lưỡi ra vơ cỏ tỏ cho tôi biết là nó hãy còn đói.
Mã-Tư bảo:
- Chúng ta hãy đợi một chút.
Trong khi đợi, chúng tôi sửa soạn túi và nhạc khí của chúng tôi.
Mã-Tư là người hiếu động, không mấy lúc để yên chân tay, hỏi tôi:
- Tôi thử thổi kèn cho bò chúng ta nghe. Ngày nọ ở gánh xiệc Gát-Sô có