trang trọng như một thân sĩ. Anh anh ngồi sau, trông vẫn như xưa, một
người thủy thủ can đảm và sốt sắng ở bến Ích-Nhi.
Vợ chồng tôi vội vàng xuống thềm đón khách. Một bữa tiệc linh đình hội
họp chúng tôi chung quanh bàn. Tất nhiên ai cũng nhắc đến chuyện cũ.
Mã-Tư nói:
- Mới rồi tôi có gặp ở tỉnh Ba-Đê, trong một phòng giải trí, một thân sĩ răng
trắng và nhọn: miệng cười luôn mặc dầu vận rủi. Ông ta không biết tôi, có
hạ cố xin tôi một đồng bạc để đánh một tiếng bạc ăn chắc – vì họ thông
lưng với nhau – nhưng đã rủi lại rủi thêm, ông Mỹ-Giang bị thua nhẵn.
Mẹ tôi nói:
- Anh Mã-Tư ơi! Sao anh lại nói thế? Thằng Lê-Minh nó dám gửi tiền chu
cấp chú nó đấy.
- Đúng thế, mẹ ạ.
- Thế ra không có sự ứng báo à?
- Có, ứng báo chứ! Vì ông chú nham hiểm kia sẽ phải chịu ơn những người
mà ông ấy theo lòng tham đã làm cho điêu đứng và muốn cho chết đi.
Anh Bốp nói:
- Tôi có tin tức về bọn đồng đảng của ông ta.
Mã-Tư kêu:
- Về tên Điệp-Công độc ác, phải không?
- Không phải Điệp-Công, vì hắn vẫn bị đầy biệt xứ. Tôi muốn nói đến gia
đình hắn. Bà vợ say rượu không gục vào bàn, lại nằm lăn vào đống lửa bị
chết cháy. Á-Lang và Á-Niên vừa bị tội đồ, sẽ đi theo cha.
- Thế còn bé Cát?
- Con bé được việc săn sóc ông nó hãy còn sống và vẫn ở bãi Hồng-Sư.
Ông già có tiền, không sợ chết đói.
Mã-Tư cười to và nói:
- Thương hại con bé, có lẽ nó bị rét lắm. “Ông già không muốn cho ai đến
gần lò sưởi của ông ta”.
Ăn cơm mới nói chuyện cũ. Mỗi người nhắc một chuyện. Chúng tôi ai nấy
đều có những kỷ niệm chung và ai nấy đều thích thú gợi ra. Đó là những
cái dây vô hình khắng khít ràng buộc chúng tôi.