Năm Gia-long thứ 10 (tân-vị : 1811), Ngô lãnh chức Hiệp-trấn Nghệ-
an. Thấy dân-tình thảm khổ, Ngô dâng sớ xin về kinh bệ kiến mà tâu vua rõ.
Vua phê-chuẩn lời Ngô xin, Ngô cùng Đốc-học Nghệ-an là Bùi dương Lịch
soạn quyển « Nghệ-an phong-thổ ký ».
Năm Gia-long thứ 11 (nhâm-thân : 1812), Ngô thăng chức Thượng-thư
bộ Công, lãnh chức Hiệp-trấn thành Gia-định, cùng tham-tri bộ Hộ Lễ viết
Nghĩa phụng mạng đi kiểm-soát tiền lương và văn án các dinh.
Gia-long thứ 12, Ngô cùng Tổng-trấn Lê văn Duyệt đem quân đưa vua
Chân-lạp là Nặc-ông Chân về nước. Rồi hội-đồng cùng Tiêm-la (nước,
Xiêm tức Thái-lan ngày nay) để bàn việc Chân-lạp. Đến khi Ngô về, có
người gièm-pha rằng Ngô ăn của lót. Tuy không có bằng-cớ gì song quan
tổng-trấn cũng cứ tâu về triều. Vua Gia-long hình như cũng không bằng
lòng, nhưng bỏ qua. Ngô than dài, từ ấy buồn-bã đến thành bệnh. Qua mùa
đông thì Ngô bệnh nặng mà mất, táng tại xã Chí-hòa (Gia-định). Ngô còn có
một trai là Ngô quốc Thoại.
Trịnh hoài Đức nhiều lần xin vua truy tặng cho Ngô, song không được.
Mãi đến năm Tự-đức thứ 5 (nhâm-ti, 1852), tên họ Ngô mới được liệt vào
miếu Trung-hưng công-thần.
Theo tài-liệu của ông Nguyễn Triệu trong bài « Công thần triều
Nguyễn : Ngô nhân Tịnh » – tuần báo Tri-Tân số 6 ngày 8-7-41 – thì :
« Hồi năm bính-tí (1936) có tin phá ngôi mả một quan đại-thần đời vua
Gia-long tại nơi đất thuộc làng Chí-hòa để làm nhà gia mới, tức là ga
« Saigon marchandises ».
« Trước mộ có dựng tấm bia đá chữ nho, hàng chữ giữa như vầy :
« Khâm-sai Công-bộ thượng-thư, hiệp hành Gia-định-thành Tổng-trấn,
thụy Túc-gian, Ngô-hầu chi mộ.
« Phía dưới, tay mặt, có con dấu hình thuẫn : « Xuân đài thọ vức »
« Phía dưới, tay trái, có hai con dấu hình vuông : « Phước toàn lộc
cơ »