không chớp mắt xuống sàn. Những người lạ mặt va vào nhau liên tục và
cùng cười cầu hoà với nhau.
Một vài đứa trẻ vặn người, và vùng vằng để thoát ra khỏi cánh tay ôm của
người lớn. Bọn chúng thoát ra được khoảng một hay hai giây rồi lại bị kéo
trở lại. Những đứa trẻ khác xanh xao, gầy gò, hốc hác, đầu rụng hết tóc
được phết lên những loai màu kỳ lạ thì đứng yên, tuân lời cha mẹ một cách
đau đớn. Giọng nói lanh lảnh phát ra nghe như tiếng của một cái máy.
Thỉnh thoảng có những nụ cười hay một chút vui vẻ làm sáng lên căn
phòng đầy ảm đạm âm u này.
Khi tới gần hơn, một thứ mùi đặc trưng đập vào mũi tôi.
Mùi nồng của cồn rửa, vị đắng của thuốc kháng sinh, cái nhớp nháp của
cồn ngọt và sự đau đớn của người bệnh.
Đó là những thứ của bệnh viện. Có nhiều thứ không hề thay đổi theo thời
gian. Nhưng tôi thì đã thay đổi, đôi tay tôi lạnh toát.
Tôi vừa chen vừa đẩy mới đi qua được đám đông. Vừa khi tôi bước tới
thang máy thì một người đàn ông to, khoẻ trong bộ đồng phục xanh dương
của cảnh sát từ đâu đó bước ra chặn lối. Anh ta có cái đầu cắt cua quá trọc
tới mức lộ cả lớp da đầu bóng láng. Khuôn mặt lưỡi cày của anh ta được
trang trí bởi bộ kính gọng đen.
- Thưa, ông cần gì?
- Tôi là bác sĩ Delaware. Tôi có một cuộc hẹn với bác sĩ Eves.
- Xin ông cho xem giấy tờ.
Trong vẻ lạ lùng, tôi lôi cho anh ta xem cái phù hiệu có kẹp cài đã được
làm cách đây năm năm. Anh ta cầm và xem xét rất kỹ càng như thể nó là
một đầu mối để tìm ra điều gì đó. Thỉnh thoảng, anh ta ngước nhìn tôi rồi
lại nhìn vào bức ảnh đen trắng chụp cách đây đã mười năm. Tay anh ta cầm
chiếc máy bộ đàm. Khẩu súng ngắn nằm trong cái bao đeo ở hông.
Tôi nói:
- Hình như ở đây kiểm tra nghiêm ngặt hơn nhiều từ khi tôi rời khỏi.
- Cái này đã quá hạn rồi - Anh ta đáp - Ông vẫn còn trong danh sách nhân
viên ở đây, phải vậy không?
- Đúng thế.