đơn giản. Tiểu thuyết đề tài này không sa vào kể lể lâm li để lấy nước mắt
xót thương của người đọc, không chỉ vin cớ nghèo hèn để dễ dãi lý giải
việc những người con gái dứt áo ra đi càng khó hơn.
Thực ra nước mắt có chảy, nhưng không phải vì mối tình bi ai trái ngang,
mà vì một câu hỏi day dứt: Những số phận ấy, con người này, ai cũng cố
gắng nỗ lực để sống, ai cũng dành một phần thiện lương để ăn ở, gắng hết
sức để ngày mai tươi sáng hạnh phúc hơn. Vậy mà sao những gì tốt đẹp ở
cạnh nhau không mang lại hạnh phúc? Và vì sao trong cuộc sống thật, lúc
nào mũi đất phương Nam bát ngát tài nguyên trở nên chật hẹp thiên tai,
Nhân bản bỗng trở thành tàn nhẫn, Trí tuệ trở nên bất lực và chữ Dũng
được định nghĩa là an phận cam tâm?
Hy vọng bạn đọc đón nhận Vu Quy như một thử nghiệm đa nghĩa của
nhà văn Nam Dao trong công cuộc tìm kiếm chốn bí ẩn trong mỗi tâm hồn
và thân phận, là một sự nâng niu cho những cô gái trẻ đang nỗ lực chấp
nhận rời xa để thay đổi. Văn chương có được thứ quyền uy mạnh mẽ tác
động tới tâm hồn như thế, tôi nghĩ, nó tới từ nội lực của nhà văn và góc
nhìn không né tránh hiện thực cuộc sống.
Trang Hạ