mà làm, xin làm gì nữa?
Thạc quận nghe nói, sợ hãi, lưng toát mồ hôi, không dám kêu nài gì nữa,
chỉ quỳ phục ở sân điện cho đến khi trời tối, cũng vẫn chưa dậy.
Nhà Vua tự liệu rằng bọn Thạc quận đã cố xin thì dù không cho cũng
chẳng được nào nên phải chuẩn y, nghĩa là trả lại cả chính lẫn binh quyền
cho họ Trịnh, theo đúng khuôn mẫu từ hai trăm năm về trước. Cuộc “phù
Lê diệt Trịnh” của Nguyễn Huệ cũng như chế độ “nhất thống” của Nguyễn
Hữu Chỉnh chung quy chỉ là một giấc chiêm bao. Vua Chiêu Thống tuy lưu
luyến nó, nhưng tự nó đã chuyển sang Trịnh phủ, do khối óc hẹp hòi của
mấy viên quan võ.
Được nhà Vua ưng chuẩn, Hoàng Phùng Cơ sung sướng như giật được
võ công lớn nhất trong đời. Ngay hôm sau, Thạc quận họp các quan ở
Vương phủ để bàn việc gán chức và chia quan: Tứ xuyên hầu Phan Lê
Phiên được cử vào chức Bình chương kiêm Tham tụng; Kế liệt bá Bùi Huy
Bích, Khuê phong bá Phan Huy Cẩn, Đồng bình chương sự kiêm Bồi tụng.
Hoàng Phùng Cơ được phong làm Trung quân Đô đốc phủ tả Đô đốc
chưởng phủ sự, tước Thạc võ công; Đinh Tích Nhưỡng, Đông quân Đô đốc
phủ hữu Đô đốc thự phủ sự, tước Liễn quân công. Bọn Ngô Trọng Khuê và
Ninh Tốn cùng làm Tham tri; Phan Huy Ích thì Lục khoa cấp sự trung kiêm
Thiêm sai lục phiên.
Sắc mệnh thảo xong, dâng lên vua Lê. Nhà Vua nhất thiết chuẩn y,
không sửa chữa qua một điều nào cả. Nhưng Phan Lê Phiên và Bùi Huy
Bích quả quyết khước từ. Duy có Phan Huy Cẩn nhận chức, song cũng chỉ
ngồi làm vì; mọi việc đều ở hai tay viên quan võ là Hoàng Phùng Cơ và
Đinh Tích Nhưỡng.
Chính quyền đã từ Hoàng thành chuyển sang Vương phủ thì Vua Chiêu
Thống cũng không thể hành động gì hơn được các vua Lê khác, bắt đầu từ
Trang Tôn và sau rốt là Hiển Tôn. Lộc của nhà Vua lại thu hẹp trong một