nghìn xã; nhà Vua định làm việc gì thì Trịnh phủ tìm cớ thoái thác để ngăn
ngừa. Bị ức chế một cách quá đáng, Vua Chiêu Thống liền phái người đi
mộ ngầm quân lính, danh là bảo vệ Hoàng thành, nhưng sự thực là để
chống nhau với Chúa Trịnh.
Theo lệ cũ, trong nội điện họ Trịnh vẫn đặt một chức “phụ tá”. Yến đô
vương liền lấy một vị hoàng thân về phái mình làm chức ấy để dòm nom
công việc của nhà Vua. Vua Chiêu Thống bất bình, bảo với vị hoàng thân
kia:
- Trẫm vừa cho Yến đô vương làm Chúa, ngồi chưa nóng chỗ mà đã
định kiềm chế Trẫm rồi. Thôi ông hãy về bảo với Chúa rằng Chúa sai ông
sang giúp Trẫm, nhưng Trẫm không cần đến, vậy hãy trả ông về mà giúp
Chúa.
Hoàng thân sợ mà lui ra. Nhà Vua lại bảo tả hữu:
- Các ngươi đừng sợ. Hễ người ấy trở lại thì chặt chân hắn đi.
Mối hiềm khích giữa Vua và Chúa bắt đầu từ đấy. Và cái nguyên nhân
diệt vong của họ Trịnh cũng ở đấy.
Nguyên trong số bầy tôi mới của Yến đô vương có một nhà nho rất gian
hoạt là Dương Trọng Tế, xưa theo Trịnh Lệ, nhưng lại phản Lệ mà về với
Yến đô vương. Sợ Vua Chiêu Thống trị cái tội khi quân khi trước, Trọng Tế
bàn với Trịnh Bồng:
- Chữ “nhất thống” là do miệng Cống Chỉnh nói ra, không còn vô lý gì
bằng. Xưa kia chính quyền ở Chúa mà tế tự ở Vua. Thế cũng là nhất chứ nhị
thống bao giờ? Nay gặp khi hoạn nạn, nhà Vua đã không biết hợp với nhà
Chúa mà cùng lo liệu thì chớ, lại còn cầu cho nhà Chúa bị tai hại để cầu an
toàn lấy một mình. Còn bọn triều thần thì như Phan Lê Phiên chẳng hạn,
chịu uốn gối dưới chân giặc mà chỉ biết có Vua chứ không biết có Chúa.
Như vậy dù thiên lý hay nhân tình cũng không tài nào dung được. Ngày