đề phòng vị trí này. Cũng không thể lùi quá sâu, vì lại gần quận lỵ Tam
Lâm, đánh xong mình rút khó, chúng đổ quân ra, tổn thất lại thuộc về mình.
Thôi được, ta cứ lùi xa lên kia một chút…
Sau chuyến thực địa, bộ đội Tây Sơn quyết định chuyển vị trí đánh địch lên
phía Bắc, cách cây cột điện đôi hơn một cây số. Vị trí này có thuận lợi là
cánh đồng bên Đức Đại có một cái ao rộng, bèo tây mọc đầy. Bờ ao lại có
nhiều bụi cây hoang cao lúp xúp giúp cho việc đổ đất lúc đào hầm phục
kích rất kín đáo và thuận tiện. Một tiểu đội bí mật đào một hầm khoét vào
bờ rồi nguỵ trang thật kỹ. Đây là vị trí đồng chí Lưu ẩn nấp, cầm hiệu làm
lệnh phát hoả khi địch đã đi vào giữa trận địa phục kích. Mười một đồng
chí khác đào hố nguỵ trang sát ngay mép đường 17. So với mặt ruộng, mặt
đường chỉ cao hơn khoảng chục phân, vì vậy việc đào hầm náu quân phải
chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Nhập nhoạng tối, tiểu đội xuất phát từ xã Quốc Tuấn cùng với mười đồng
chí du kích do đồng chí Nguyễn Văn Đố, xã đội trưởng cùng vào làm
nhiệm vụ chuẩn bị trận địa. Tốp du kích này làm nhiệm vụ canh gác hai
đầu. Riêng chuyện đào đất cũng phải làm rất cẩn thận. Để giữ bí mật, đơn
vị đã phải trải vải nhựa để đi lại đổ đất sau đó lại nguỵ trang lại thật cẩn
thận. Địch không thể nào phát hiện ra. Đang đào đất, đồng chí Cao quê xã
Liên Hồng bị thuổng đâm vào chân nên không thể tham dự trận đánh được.
Tổ chiến đấu còn lại mười người. Ba giờ đêm, trận địa chuẩn bị xong. Cả tổ
độn thổ, ém mình dưới lòng đất, chuẩn bị chờ hiệu lệnh xung trận.
Mặt trời đã lên gần một con sào. Không khí dưới những căn hầm trở nên
ngột ngạt. Đã quá con số 6h30 phút rất lâu rồi. Bóng dáng những tên trong
tiểu đội lính nguỵ đi tuần vẫn biệt vô âm tín. Cũng chẳng thấy chúng bắn
súng báo hiệu như mọi ngày. Không lẽ chúng phát hiện ra trận địa phục
kích của quân ta? Hay trận địa bị lộ? Hay chúng đang chờ để lừa úp lại
quân ta ngay tại chính trận địa phục kích này? Rất nhiều câu hỏi ập đến
trong đầu các chiến sỹ trong tổ chiến đấu…Cả tổ như ngồi trên chảo lửa…