Nguyễn Đình Vinh & Thương Huyền
Vùng mắt bão
CHƯƠNG IV
Lớp tập huấn cho các trưởng ban thông tin tuyên truyền của huyện Gia Lộc
mở tại thôn Thị Đức xã Nhật Tân, trong khuôn viên rộng của ngôi đình cổ.
Lớp học giấu mình, trầm tư dưới một gốc đa già, rễ loà xoà buông từng
chùm, phất phơ trong gió sớm. Tán đa xoè phủ, trùm hết cả khoảng sân
rộng lát gạch nâu non, đôi chỗ tróc lở càng khiến nền sân trở nên cổ kính.
Hơn hai chục học viên từ khắp các xã của huyện tập trung học tập trong
thời gian hai tháng. Những điểm cốt yếu nhất trong đường lối chính sách
của ta, phương pháp thông tin tuyên truyền hiệu quả nhất được các đồng
chí trong phòng thông tin tuyên truyền huyện phổ biến tới các học viên.
Người ta gọi lớp tập huấn này là lớp thông tin tuyên truyền Trần Huy Liệu.
Người tham gia lớp học này gọi nhau ngắn gọn là lớp Trần Huy Liệu.
Lớp Trần Huy Liệu sắp kết thúc. Hàng loạt câu hỏi hóc búa về đường lối
chính trị của ta trong giai đoạn hiện nay cùng nhiều tình huống cụ thể khác
về phương pháp tuyên truyền được các học viên đặt ra. Không khí trong
lớp nóng dần lên như ngọn lửa đang bén ngún vào đầu củi bắt đầu toả ánh.
Một nữ đồng chí đứng dậy phát biểu rất đanh thép:
- Tôi thấy, mình có thể dùng lý lẽ để tuyên truyền với bà con. Nhưng nếu
chỉ có lời nói suông thì sẽ chẳng bao giờ thuyết phục được đồng bào. Dân
mình luôn găm sâu trong gan ruột: “Trăm nghe không bằng một thấy”, chỉ
có bằng việc làm cụ thể dân mới tin và làm theo…
- Đúng rồi - Tiếng một người đế theo - Với dân mình thì cần phải người nói
làm trước, thì làng nước mới theo sau… Tất cả đều chỉ có thể nói với dân
bằng việc làm thôi.
Tiếng bàn tán, trao đổi ngày một sôi nổi. Ngoài vườn cây, gió vẫn rì rào,
vẫn hát chung bản hoà tấu với con người. Lân lắng tai, anh muốn thu tất cả