bán, tham gia kháng chiến. Người các làng Phương Điếm, Hội Xuyên, Đức
Phong, Đại Liêu, Tiên Nha, Vĩnh Dụ tập trung tản cư tại khu vực chợ Bùi
Hoà, Xuân Trì - Hoàng Hanh rất đông. Nơi này trở thành điểm giao thương,
buôn bán khá tấp nập.
* *
*
Năm một chín bốn tám!
Trăng tháng Tám, nhẹ nhàng tãi trên thảm lá dầy, lọt xuống nền sân đất lỗ
rỗ như tấm chăn hoa dẻ phơi thấp thoáng ngoài giậu cúc tần. Cuộc họp
huyện uỷ Gia Lộc sắp bắt đầu. Sau những tháng ngày bám đất, bám dân
chống địch đánh phá, khuôn mặt các đồng chí lãnh đạo sạm lại. Lưỡng
quyền nhô ra, kéo gò má hóp lại. Chỉ ánh nhìn vẫn tinh anh, sáng niềm tin
vào tiền đồ cách mạng. Những khó khăn trong ngày đầu kháng chiến hút
sức các anh, các chị vào cuộc đấu tranh không cân sức với kẻ thù. Giờ đây,
trong tình hình mới, để nắm dân, huyện uỷ Gia Lộc quyết định thành lập
liên xã Nghĩa Hưng trong vùng kháng chiến tại vùng căn cứ thuộc hai xã
Đức Xương, Quang Minh. Từ vùng căn cứ này, phạm vi hoạt động sẽ vươn
tới các làng Bùi, Cụ Trì, Mơ Trì, Lang Ngoại và cả làng Triệu, Nuồi của
huyện Thanh Miện, nơi có nhiều dân Gia Lộc đang tản cư làm ăn, sinh
sống. Suốt cuộc họp, điểm mạnh, yếu trong cuộc chiến với địch được đưa
ra phân tích tỉ mỉ. Muốn thắng lợi, chỉ có dựa vào dân. Muốn dựa vào dân
phải nắm được dân mình. Quân tách khỏi dân như cá tách khỏi nước. Điều
ấy, bất cứ chiến sĩ cộng sản nào cũng hiểu và nằm lòng.
Đêm đã về khuya. Sắc vàng của ánh trăng chuyển dần sang màu trắng nhạt.
Cuộc họp kết thúc. Ngoài kia, tiếng dế vẫn i i gáy trong đám cỏ hoang.
Không nghe thấy tiếng gà, chỉ thấy súng bắn cầm canh của quân giặc như
xoáy vào tim mỗi người.
Thành lập liên xã Nghĩa Hưng, Huyện uỷ trông chờ rất nhiều vào những
đồng chí cốt cán sẽ bám trụ cùng nhân dân. Chỉ có cùng sống, cùng chết
với đồng bào mới có thể hiểu thấu nỗi lòng người dân đang vì công cuộc