của người Champa. Đây là vũ điệu hoan ca mừng chiến thắng. Điệu vũ có
từ thời bộ lạc Cauthala đổ bộ lên chiếm được dải đất ven biển này, do đức
bà Po Nagar dẫn lối chỉ đường. Các tiên nữ ăn vận giống hệt người Champa
quí phái. Mũ vàng chóp nhọn, mỗi đỉnh chóp đều được gắn một viên kim
cương, hoặc viên mã não phát sáng lung linh, tưởng như các nàng có thêm
mắt ở trên đầu. Mỗi người đeo một bông tai vàng có đính hồng ngọc. Tất cả
đều ngực trần chỉ đeo có mỗi một cái đỡ hai chúm vú bằng vàng dát mỏng,
trổ hoa lá và nạm vào đó những viên ngọc li ti phát ra đủ màu lấp lóa.
Mỗi bên cổ tay đeo bảy chiếc vòng nạm kim cương lấp lánh. Và mỗi vũ
nữ đều vận một chiếc xiêm ngắn đến nửa đùi, mỏng nhẹ như khói, dường
như nó được dệt bởi một thứ tơ trời. Và mỗi bên cổ chân đều đeo một chiếc
vòng bạc, gắn bảy chiếc lục lạc vàng. Các vũ nữ múa theo nhịp trống
paranưng, kèn saranai, sáo tampo. Ban nhạc ngồi khuất lấp phía sau tấm
bình phong chạm trổ cảnh hải quân Champa đang hỗn chiến với thủy quân
Chân Lạp. Quân Chân Lạp thua, bị vây tròn trên mặt biển. Không ai nhìn
thấy gương mặt các nghệ sĩ trong ban nhạc, nhưng các hòa âm từ sau tấm
bình phong kia vút lên, lúc rì rào như gió đang trò chuyện cùng nắng, lúc
sục sôi như sóng gầm bão xoáy; lúc như nhịp lướt nhẹ nhàng của gió, đang
cùng sóng chở lời ru ca của mẹ, từ một hoang đảo nào đó, tới những người
con xa xứ. Khi các nhạc khí ném ra những âm thanh xô đẩy nén dồn thì từ
phía các cổ tay, cổ chân của các vũ nữ tiếng vòng xuyến, tiếng lục lạc cũng
rung lên, vút lên và quyện hòa vào nhau thổn thức. Vừa như tiếng nấc, lại
vừa như tiếng reo bi hùng của cả một dân tộc, được nén giấu trong các nhạc
khí, và được lưu giữ tại nơi cổ tay cổ chân của các vũ nữ kia.
Từ vua quan đến chúng dân, mọi người đều như dại như ngây, dường
như họ đang cùng đọc cuốn biên niên sử vĩ đại của cả dân tộc, qua âm
hưởng của các nhạc khí, và ngôn ngữ không lời được biểu hiện qua các vũ
điệu thần kỳ. Ba ngày hội hè thỏa thuê, dân trong toàn cõi Champa đều
phấn chấn về sự tự cường của dân tộc, và hết thảy mọi người từ trí đến ngu
đều tôn vinh Chế Bồng Nga là đức vua anh hùng nhất của dân tộc mình.
Trong khi dân chúng cả nước vui hội hè thì tại tòa Nguyệt cung, triều
đình cử hành hôn lễ cho công chúa Indra Pantura với Ngự câu vương Húc,