Cuốn thứ ba "Huyền Trân Công chúa" được viết trong một giai đoạn
lịch sử có 7 năm; kể từ sau khi Trần Nhân tông nhường ngôi cho con, rồi
vào hẳn Yên Tử coi sóc trực tiếp dòng Thiền Trúc Lâm do ông sáng lập, và
kết thúc ở cái chết của quốc vương Champa: Chế Mân (1300-1307).
Đây là giai đoạn lịch sử ít biến động nhất về mặt nội trị và bang giao.
Song là thời điểm cực kỳ quan trọng để vua tôi nhà Trần xác lập một tư
tưởng triết học cho riêng mình, thông qua học thuyết Trúc Lâm mà người
kiến tạo không ai khác ngoài Trần Nhân tông. Cũng trong thời kỳ này, nhà
Trần thể hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, để duy trì một nền hòa bình
bền vững với các quốc gia lân cận, mà cuộc hôn nhân giữa công chúa
Huyền Trân của nhà Trần với quốc vương Champa Harijit Indra Varman III
tức Chế Mân là tiêu biểu.
Tới cuốn “Vương triều sụp đổ" mà các bạn đang có trong tay, tôi viết về
giai đoạn suy thoái triền miên suốt 60 năm cuối của nhà Trần (1341-1400).
Ngay cả việc sụp đổ của nhà Trần cũng để lại cho hậu thế nhiều bài học có
ích.
Vậy là trong 175 năm chấp chính của nhà Trần, tôi đã chọn 4 giai đoạn
lịch sử ngắn dài khác nhau, với tổng số thời gian là 97 năm để phản ánh.
Nếu bạn đọc có trong tay cả 4 tập tiểu thuyết đã nói trên, thì có thể nắm
được bối cảnh lịch sử -chính yếu của nhà Trần. Nếu chỉ có từng tập riêng rẽ
thời cũng nắm được khá đầy đủ giai đoạn lịch sử trọng yếu mà các tác phẩm
đã phản ánh.
Ba tập đầu đã lần lượt ra mắt bạn đọc từ 1987 đến 1991, và cả 3 tập trên
đều được tái bản nhiều lần.
Lần tái bản sau cho toàn bộ sách (4 tập), tôi sẽ nói vì sao tôi viết tiểu
thuyết lịch sử, lại vì sao tôi chọn viết về nhà Trần. Và nữa sẽ có sơ đồ chỉ
dẫn về phả hệ, phả tộc của nhà Trần để bạn đọc tiện theo dõi.