khỏi đất Thăng Long. Nay ta đã thu hồi được miền đất hai châu: Châu Ô,
Châu Lý xưa vì sức ép của Đại Việt, mà tổ phụ ta phải dùng nó làm sính lễ,
để đón bà Huyền Trân công chúa về Champa. Nay ta trao lại đất ấy cho con.
Ta cũng chinh phục được Châu Hoan và gần hết Châu Ái. Tất cả vùng đất
ấy đều thuộc về con. Vậy con phải làm tờ bố cáo, kêu gọi chúng dân qui tụ
dưới triều đình của con. Nay mai, ta sẽ cho đội hải binh cùng đội tượng
binh hùng mạnh của ta dẫn con về quê hương xứ sở. Triều đình của con tạm
ngự ở Châu Ô, chờ khi ta thu phục xong Thăng Long rồi sẽ liệu. Vậy ý con
thế nào?
Quả thật trong đầu của vương Húc chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh
này; ngay cả trong mơ cũng chưa hề thấy. "Nhưng nó lại là sự thật sao?".
Vương tự hỏi. Và vương thầm nghĩ: "Chẳng lẽ Đại Việt ta đã hèn yếu đến
mức này sao? Chẳng nhẽ quân Chiêm đã lấy xong toàn cõi Đại Việt, chỉ còn
có Thăng Long cũng sắp rơi vào tay bọn họ?". Kiểm xét lại từ ngày theo
thúc phụ đi chinh phạt Chiêm Thành tới nay, vương Húc cảm như vừa trải
qua một giấc mơ vừa hãi hùng vừa kỳ lạ: “Kể từ bữa vào Chiêm, mới đánh
một trận vua tôi họ đã tan tác tháo chạy. Nhưng đánh sang trận thứ hai thì
quân ta đại bại. Thúc phụ ta bị chết bởi tên độc giữa trận tiền. Còn ta thì bị
bắt làm tù binh. Chưa kịp vào trại tù đã trở thành phò mã. Vừa làm phò mã
đã lại sắp phải làm vua. Sự thay đổi vị thế đến chóng mặt. Chẳng biết rồi nó
sẽ còn đi đến đâu”. Chợt nhớ Chế Bồng Nga đang hỏi, vương Húc vội đáp:
- Muôn tâu phụ vương, ý phụ vương là ý Trời.
Chế Bồng Nga gật đầu, và ông nở nụ cười như là một sự khen tặng đối
với vương Húc. Sự thật vương Húc cũng không biết liệu tính ra sao, nên
vương cứ phó mặc cho số phận, tựa như cánh bèo dạt xô theo sóng nước.
Nói rằng vương Húc viết lời bố cáo. Nhưng thực Chế Bồng Nga đã cho
viết, cho in hàng vạn bản rải khắp mấy châu từ Hoan, Ái đến Ô, Lý. Đại
khái lời lẽ nhằm thóa mạ nhà Trần, tâng bốc Champa. Và người xứng đáng
lên ngôi hoàng đế Đại Việt là vương Húc.
Lại nói các châu, quận, trấn, lỵ ở phía nam xa xôi, bấy lâu triều đình vẫn
trao cho Đỗ Tử Bình coi sóc. Vừa là vỗ về dân chúng, trấn ngự biên cương;
vừa là giữ mối giao hảo với Champa.