Phát huy những mặt tốt nhất của
công việc “nhàm chán”
Trong nhiều năm qua, tôi đã trò chuyện với nhiều người và họ
luôn than phiền về công việc “nhàm chán” hoặc mong mỏi một nghề
nghiệp thú vị hơn.
Trên thực tế, chúng ta có thể lựa chọn thái độ với mọi công việc
“nhàm chán”. Hoặc bạn khổ sở đếm từng phút trôi qua; ngẫm nghĩ về
công việc nhạt nhẽo của mình để rồi không ngừng than phiền và
mong ước nó khác đi. Hoặc bạn cũng có thể nhắc nhở bản thân rằng:
“Công việc là vậy”, từ đó tiến tới phát huy những mặt tốt nhất của nó.
Dù chọn thái độ nào thì mỗi ngày, bạn vẫn phải dành cho công việc ấy
một khoảng thời gian nhất định.
Chắc chắn có người sẽ lên tiếng phản đối rằng: “À, chẳng qua anh
chưa thấy công việc của tôi thôi” và sau đó cố gắng minh chứng lời
khuyên này không áp dụng cho mọi trường hợp. Nhưng tôi tin là nó
có thể. Trên thực tế, bạn luôn có thể lựa chọn thái độ đối với công
việc của mình.
Tôi rất thích câu chuyện kể về hai thợ xây được một nhà báo
phỏng vấn. Khi được hỏi về một ngày làm việc của mình, người thợ
đầu tiên đáp với giọng điệu ngao ngán: “Tôi phải làm việc ở đây hàng
giờ dưới nắng gắt để nối những viên gạch ngu ngốc này lại với
nhau. Thôi để cho tôi yên”. Người phóng viên quay sang người thợ
xây thứ hai với cùng một câu hỏi như vậy và nhận được câu trả lời
khác hẳn. Với thái độ vui vẻ, nhiệt tình, người thợ xây thứ hai bảo:
“Khi lắp những viên gạch đơn giản này lại với nhau, chúng tạo nên
những tòa nhà xinh đẹp. Không có chúng tôi thì chẳng có công trình
nào cả đâu”. Bài học rút ra từ câu chuyện này là không có người thợ
nào sai cả - phát biểu của họ dựa trên cách họ nhìn nhận về công việc.
Tôi nhận ra rằng hầu hết những người suy nghĩ tích cực về công
việc luôn tỏ ra thích thú khi được làm việc – và họ có thể thăng tiến
nhanh hơn những người còn lại. Chính thái độ của họ đã tạo nên sự
phấn khởi cho bản thân họ, đồng thời truyền cảm hứng cho những
người xung quanh.