Nhắc lại điều đó để tôi giải thích vì sao khi thực sự bước vào cuộc đời
nghề nghiệp, mà tôi lại chưa đến khai thác tài liệu tại một trong những thư
viện quý nhất khi đó là Viện Thông tin Khoa học xã hội, nơi được thừa kế
kho sách vô giá của Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp tại Hà Nội.
Đương nhiên những năm sau này tôi vẫn thường xuyên đến đọc tài liệu tại
đây, nhưng thời điểm ấy, tôi không còn được gặp một người là tác giả của
cuốn sách mà các bạn cầm trên tay: cụ Nguyễn Trọng Phấn.
Tôi chỉ gặp cụ Phấn khi cụ đã nghỉ hưu. Một ông già khi đó đã ngoài bảy
mươi, tóc râu đã bạc, lưng lại còng nhưng lúc nào cũng cắp trên tay những
cuốn sách dày mà sau này khi không còn đủ sức cụ cho vào một cái bị xách
bên mình. Tôi không hiểu những cuốn sách ấy cụ đang sử dụng dở dang
hay mang theo chỉ là một thói quen không bỏ được. Dáng vẻ hiền từ nhưng
ít nói. Tôi chỉ được mọi người giới thiệu đó là một cán bộ cũ của thư viện.
Sau này, khi tôi hoạt động nhiều trong công việc của Hội Sử học, tổ chức
những sinh hoạt như phổ biến kiến thức, hội thảo kỷ niệm các sự kiện hay
nhân vật lịch sử, luôn thấy vị khách lão thành ấy có mặt. Khiêm nhường
ngồi ở những hàng ghế sau ít ai để ý. Nhưng với các bậc lão thành, nhất là
trong giới nghiên cứu thì mọi người đều tỏ sự kính trọng khi gặp cụ. Dần
dà tôi biết nhiều hơn về con người này. Hỏi chuyện cụ, nhất là liên quan
đến sách vở cái gì cụ cũng am tường ẩn sau cách nói rất khiêm nhường.
Hơn thế thi thoảng cụ còn đến nhà tôi, khi đó sống trong khu phố cổ.
Không gặp tôi thì trò chuyện với mẹ tôi, cũng thuộc hạng người cũ của Hà
Nội nhưng ít hơn cụ hơn chục tuổi. Câu chuyện giữa họ là gì tôi không rõ,
nhưng mẹ tôi luôn tỏ sự tôn trọng và chỉ nói với tôi rằng ngày xưa cụ ấy
thuộc hạng người “danh giá”.
Một lần tôi có dịp sang Pháp, cụ Phấn đến nhờ tôi gửi một lá thư cho bà
Tiến sĩ Thu Trang - Công Thị Nghĩa, một nhà sử học Việt kiều chuyên viết
về những nhân vật lịch sử thời cận đại trong đó có Phan Châu Trinh và Hồ
Chí Minh và có sách in ở Việt Nam. Lá thư mà thực ra là một tài liệu viết
về tổ chức “Hội Tam điểm” ở Việt Nam mà cụ từng là một người tham dự