khá sâu sắc. Cụ viết để cung cấp thêm những hiểu biết về tổ chức này mà
Tiến sĩ Thu Trang mới chỉ tiếp cận qua các nguồn tư liệu. Cụ bổ sung nhiều
điều và cải chính đôi điều. Tôi biết nội dung bức thư vì chính cụ dặn đây là
thư ngỏ nên cứ đọc trước rồi sẽ chuyển sau. Hẳn cụ giữ ý để tôi yên tâm
mang giúp thư ra nước ngoài. Nhưng với tôi lá thư khá dài ấy là một nội
dung rất bổ ích về một tổ chức hoạt động rất bí mật nhưng lại có không ít
tác động vào lịch sử Việt Nam thời cận đại (Pháp thuộc). Chính cụ đã mách
bảo tôi rằng trong thư viện và lưu trữ có những tài liệu cho biết Cụ Hồ khi
còn trẻ đã từng đến với tổ chức này cả ở Việt Nam và ở Pháp... Sau này có
người phát hiện ra tài liệu chứng minh đúng như vậy...
Sau khi tôi chuyển bức thư sang Pháp, bà Tiến sĩ Thu Trang đánh giá rất
cao những thông tin cụ Phấn cung cấp và có nhờ tôi chuyển lời cảm ơn và
hy vọng có dịp gặp cụ ở Việt Nam. Tôi cũng có ý định khai thác thêm
những hiểu biết về cụ, nhưng công việc cứ bẵng đi theo thời gian... cho đến
ngày nghe tin cụ mất.
Thú thật, cho đến lúc này, khi bản thảo của cuốn sách mà các bạn đang
cầm trên tay được các đồng nghiệp biên soạn gửi tới tôi đọc trước, tôi được
biết kỹ hơn những thông tin về nhân thân và các hoạt động nghề nghiệp của
cụ Nguyễn Trọng Phấn, tôi mới hiểu hơn cái nhận xét mà mẹ tôi từng nói
về cụ, một người danh giá.
Cuốn sách này rất mỏng, lại chỉ là những mẩu tư liệu sưu tầm từ những
sách báo của người phương Tây viết về buổi tiếp xúc đầu tiên với đất nước
và con người Việt Nam vào thế kỷ XVII. Đó mới chỉ là những bài báo rút
ra từ tờ “Thanh Nghị”, sự tập hợp trách nhiệm của những trí thức có tinh
thần dân tộc vào thời điểm đang đón chờ cơ hội giành độc lập cho đất nước
khi chiến tranh Thế giới lần thứ II tạo ra... Đúng như phụ đề “thu nhặt tài
liệu để giúp vào sự giải quyết những vấn đề quan hệ đến cuộc sinh hoạt của
dân tộc Việt Nam”, cụ Nguyễn Trọng Phấn và các bạn trí thức “đồng chí”
của mình đã làm mọi việc để đặt nền tảng cho một tư duy mới, điều mà