ngày nay ta hay dùng, là chuẩn bị tâm thế cho công cuộc hội nhập với thế
giới một khi nước nhà giành được độc lập.
Năm Việt Nam giành được độc lập, cụ Nguyễn Trọng Phấn mới 36 tuổi.
Cụ Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, giữa lúc còn phải “vật lộn” với nạn
đói, nạn dốt và ngoại xâm vẫn trân trọng kế thừa cái di sản khoa học của
chế độ cũ mà ấn định nhiệm vụ mới của Đông phương Bác cổ Học viện
trên cơ sở kế thừa toàn bộ những thành quả nghiên cứu và con người của
Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp lập ở Đông Dương. Và cụ Nguyễn
Trọng Phấn được đảm nhiệm vai trò Chánh văn phòng và Thư ký của Hội
đồng cố vấn Học viện, nơi tập hợp những tên tuổi danh giá như Nguyễn
Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Cao Xuân Huy, Nguyễn Đỗ
Cung, Đặng Thai Mai, Nguyễn Thiệu Lâu, Đào Duy Anh, Nam Sơn... và cả
Ngô Đình Nhu và Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy (tức Cựu hoàng Bảo Đại)...
Đọc cuốn sách này hẳn các bạn đọc quan tâm nhiều hơn đến những
thông tin về một vấn đề lịch sử được nêu thành tên sách Xã hội Việt Nam từ
thế kỷ XVII, nhưng riêng với tôi lại quan tâm nhiều hơn đến thế hệ những
người ẩn danh như cụ Nguyễn Trọng Phấn, những người không hiếm sống
quanh ta. Hoàn cảnh khiến cụ Nguyễn Trọng Phấn không thành danh như
các nhà khoa học lớn, nhưng thế hệ của cụ là thế hệ “làm sống lại những
đoạn “Nam sử” mà hiện nay nhiều người sao nhãng” từ cách đây hơn bảy
thập kỷ. Những người không thành danh ngoài xã hội nhưng từng danh giá
trong tâm khảm những người cùng thời.
Lục tìm trong những tư liệu ngổn ngang của mình, tôi kiếm được một
tấm ảnh chụp chung với cụ cũng thấy Trần Quốc Vượng và bạn Lê Cường
(cháu nội cụ Lê Hoan), bức ảnh chụp cách nay đã một phần tư thế kỷ nhân
một cuộc hội thảo về danh nhân Chu Văn An để in vào cuốn sách này như
một kỷ niệm về cụ Nguyễn Trọng Phấn (xin xem trang 188).
Cuối Thu 2015
Dương Trung Quốc