Người ta còn khen ngợi một tòa nhà nữa do một viên thái giám dựng lên
gần tòa nhà nói trên, trong có giăng gấm, vóc mua bên Tàu thêu hoa và
hình vàng, quý giá và dệt kỹ người Đàng Ngoài chưa bao giờ được thấy. Ở
ngay lối vào nhà nào cũng có những buồng ngăn hoặc gian dài bịt kín trong
có chứa chừng ba bốn trăm bao gạo, mỗi bao nặng từ một trăm đến trăm
hai mươi cân ta. Các quan trấn thủ các tỉnh gửi về dâng các phẩm vật: hoặc
ngựa đã thuần thục có yên cương, hoặc rất nhiều bò, trâu; các quan trọng
nhậm miền thượng du gửi về dâng sơn dương, hươu nai, hoặc hổ, lang chó
hoặc mèo rừng còn sống, không kể các giống chim rất quý; đã bắt được các
súc vật này đều đem nhốt vào một chỗ, trong cung thành mới, mỗi loại vào
một nơi.
Cuối cùng thì đến tòa đại điện mà thế tử dựng lên để thờ tiên vương giữa
một công viên rộng để chứa số dân gian ở khắp các nơi về xem một quang
cảnh rất hiếm và rất lạ. Tuy vậy tòa cung điện này cũng không rộng bằng
tòa cung điện mà sinh thời tiến vương vẫn ngự, tuy hai tòa cũng một kiểu
và chỉ có khác nhau về to rộng. Vào bên trong các cửa chạy dài chung
quanh thành hành lang có rất nhiều cột, nhiều nhưng không hỗn độn, trên
có nhiều biển hiệu và câu đối bằng chữ nho.
Gần cung, có một cái bệ phủ vàng, trên có rải nhiều hoa và đốt nhiều
hương lúc nào cũng nghi ngút. Trên bệ có đặt một cái ngai, toàn bằng vàng
và bằng ngà. Áo bào kiểu rất hiếm và lạ, khéo hơn kiểu point d’Espagne
và các y phục kỳ lạ nhất bên Âu châu, được đem đặt lên trên bệ, tỏa xuống
cả đến chân ngai; có cả chiếc mũ miện đặt lên chỗ cao nhất chiếc ngai. Chỗ
ấy có hai chữ đại tự tỏ rõ ý kiến của thế tử đối với tiên vương có nghĩa là
“luôn luôn có mặt” (tanquam presenti).
Bây giờ chỉ còn xem đoạn cuối của tang lễ, những nghi lễ cử hành và
những vai trò có mặt trong đoạn này.
Các việc đã cắt đặt theo thứ tự đã định và tôi đã nói ở trên; để cử hành
nghi lễ cuối cùng trong tang lễ, ba vạn rưỡi người mặc tang phục, đi hàng
năm từ vương phủ đi ra, hồi đêm 29 tháng Chạp, kẻ bồng súng người cầm