Seo Ly, kẻ khuấy động tình trường
Cửa sổ gác hai nhà anh giáo Vàng Seo Tống nhìn xuống đường phố
chính huyện lỵ M, một tỉnh miền núi xa xôi. Đường phố huyện lỵ heo hút
này thì có gì mà đáng nói, ngoài phân ngựa khô, phân ngựa tươi và lũ chó
lười, khi đùa phỡn, khi ngủ trong nắng hanh vàng vắng ngơ. Thành ra thu
hút cái nhìn của con mắt cửa sổ trổ trong bức tường xăm đá nhà Tống phải
nói chính là cái tòa nhà đối diện với nó. Bốn cây cột đá tròn dựng nơi tiền
sảnh, đội cả một tảng đá lớn trên khắc những chữ Tây cho đến năm ngoái
khi ông đội Tơ ở phố này hai năm mươi, thì chẳng còn ai hiểu nghĩa nó là
quái quỷ gì, ngoài cái ấn tượng mông lung về một dĩ vãng rất sơ sài và
buồn tẻ. Qua tiền sảnh, bước vào một cái sân gạch đỏ như son, chưa kịp gột
rửa cảm giác ngợp choáng vì lạ lẫm, khách liền rơi vào tâm trạng tự ti vì
thấy quá bé nhỏ so với ba lớp nhà hai tầng vây kín, chế ngự cả khoảng trời
xanh bao la trên đầu. Hành lang nối hành lang. Các vòm cửa đắp nổi hình
lá nho và con dơi, cùng các mặt sàn lát gỗ lim đen bóng với lò sưởi xây,
đem lại cho dinh thự một phong cách châu Âu xa lạ. Nhưng, nhìn hàng
tường mặt tiền tòa nhà thao láo các lỗ châu mai, và phía sau, một lô cốt
quét vôi vàng cao vọt lên, khách nơi xa đến lại nghĩ nó chính là một trại
lính khố xanh, khố đỏ còn sót lại từ thời xứ này thuộc quyền của đạo quan
binh thuộc địa thứ tư. Muốn gì thì gì, tòa nhà này cũng là một công trình
bền vững, còn lại với thời gian và mang dấu vết thời đại rõ rệt nhất ở trong
vùng. Tòa nhà trơ như đá, vững như đồng, thi gan cùng tuế nguyệt. Sau
Pháp là Nhật, sau Nhật là Quốc dân đảng. Sau Quốc dân đảng là tên tuổi
các thổ ty chúa đất lừng danh, và bây giờ, đóng trụ sở tại đó là ủy ban nhân
dân, chính quyền công nông của các dân tộc Mèo huyện nhà.
Khoảng tháng này, quanh cái bàn nhỏ của anh giáo Tống kê gần cửa
sổ nọ, Tống có thêm hai người bạn trẻ. Một là bác sĩ Ngôn hai mươi chín